Ghi nhớ và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban chấp hành Trung ương (Khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; trong những năm vừa qua, công tác dân vận trên địa bàn huyện Sông Lô được tiếp tục tăng cường và đổi mới một cách toàn diện, đồng bộ, bám sát cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân, chăm lo toàn diện đời sống nhân dân; nâng cao ý thức, trách nhiệm tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trước nhân dân. Nội dung công tác dân vận gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; được tiến hành có trọng tâm, trọng điểm, hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Huyện Sông Lô tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và đại diện nhân dân trên địa bàn huyện
Công tác quán triệt và thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận trong tình hình mới gắn với nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của huyện sau đại dịch Covid -19 được chú trọng. Ban Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức triển khai, quán triệt nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác dân vận như: Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013 về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Quyết định số 23-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về ban hành “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”, Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới, Quyết định 394-QĐ/TU ngày 30/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc ban hành Quy chế công tác Dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Vĩnh Phúc…
Để tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/HU, ngày 10/9/2021 về tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong tình hình mới. Lãnh đạo kịp thời việc sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác dân vận. Thực hiện việc giao nhiệm vụ chỉ tiêu cho các cơ quan trong khối dân vận.
Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương và Tỉnh ủy về công tác dân vận được quan tâm chỉ đạo: Chỉ đạo kiểm tra Quy chế dân chủ đối với 8 đơn vị; giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện Quyết định số 55-QĐ/TU đối với 3 đơn vị.
Thực hiện Quyết định số 55-QĐ/TU, ngày 03/2/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc ban hành Quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp với nhân dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, Ban Thường vụ đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Việc tổ chức các Hội nghị đối thoại được thực hiện một cách bài bản, nghiêm túc, đáp ứng được những tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân nhân trên địa bàn huyện.
Công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước được các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở chú trọng thực hiện. Các cấp chính quyền đã thể chế hóa bằng việc xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch cụ thể triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác dân vận. Thực hiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Qua đó, vừa phát huy tốt chế độ dân chủ đại diện, nâng cao chất lượng và hiệu lực hoạt động của cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp, vừa thực hiện tốt chế độ dân chủ trực tiếp ở cơ sở để nhân dân bàn bạc và quyết định trực tiếp những vấn đề quan trọng, thiết thực, gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.
Các cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn huyện đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức vận động, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, nhà nước và Nhân dân; động viên nhân dân tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ chí Minh, như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phong trào “Vĩnh Phúc chung sức xây dựng nông thôn mới”; tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân tham gia ủng hộ phòng chống Covid-19. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở chỉ đạo, triển khai hiệu quả, được đông đảo các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng. Phong trào đã thực sự đi vào đời sống xã hội, huy động được nhiều nguồn lực, với nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, phát huy hiệu quả và được nhân rộng, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng - an ninh.
Tuy nhiên, công tác dân vận trên địa bàn huyện vẫn còn một số hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, như việc nắm bắt tình hình nhân dân; phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên; công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác bồi thường GPMB các dự án trọng điểm trên địa bàn huyện còn hạn chế. Thời gian tới, trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; các phương tiện thông tin trực tiếp tác động ngày càng đa dạng, đa chiều; các thế lực thù địch, phần tử xấu chống phá ngày càng tinh vi, quyết liệt; hình dịch bệnh Covid vẫn diễn biến phức tạp… Phát huy truyền thống kết quả đã đạt được, để tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác Dân vận trong tình hình mới góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh, các cấp ủy Đảng trên địa bàn huyện cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng về vai trò của nhân dân, dân vận và công tác dân vận. Tập trung quán triệt Nghị quyết số 25-NQ/TW , Quyết định 23-QĐ/TW, Chỉ thị số 33/CT-TTg, Quyết định 394-QĐ/TU, Chỉ thị số 09-CT/HU gắn với triển khai có hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác Dân vận.
Hai là, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, mỗi cán bộ trong hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng phải đi sâu, đi sát cơ sở, gần dân, trọng dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, kịp thời nắm bắt tình hình dư luận xã hội, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân để đề xuất các giải pháp phù hợp, tháo gỡ kịp thời các khó khăn. Cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan cần thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân; giải quyết những vấn đề mà người dân phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, các vấn đề phức tạp trên địa bàn.
Ba là, tăng cường phát huy hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp; đẩy mạnh thể chế hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Trong xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác dân vận, các cơ quan nhà nước phải gắn với thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở. Nâng cao chất lượng và hiệu quả trong hoạt động tiếp xúc cử tri, hoạt động giám sát, tiếp dân, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân
Bốn là, tăng cường công tác dân vận của cả hệ thống chính trị. Nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đối với công tác dân vận ở từng cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội về công tác dân vận; tích cực đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác dân vận. Phát huy vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của MTTQ, các tổ chức chính trị- xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tập hợp, vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, thực hành dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân theo hướng có trọng tâm, thực chất, hiệu quả hơn. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác Dân vận, MTTQ và đoàn thể
Năm là, Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo”, tích cực tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình về công tác dân vận.
Sáu là, tăng cường công tác dân vận trong phòng chống dịch Covid-19, phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi người dân trong tự ý thức bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng. Tuyên truyền vận động, tạo sự hưởng ứng tích cực và đồng thuận của nhân dân trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Với trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt những nội dung, nhiệm vụ trên, công tác dân vận trên địa bàn huyện trong thời gian tới sẽ tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh, góp phần giữ vững ổn định xã hội, phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.
Trịnh Thị Bình - UV BTVHU, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch UB MTTQ huyện