Thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả vĩ đại nhất trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng và chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước mấy nghìn năm của dân tộc. Chúng ta đã hoàn thành được sứ mệnh lịch sử vẻ vang là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc - kỷ nguyên của độc lập, thống nhất và cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đây cũng là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới; góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ, động viên, khích lệ các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa đế quốc, mở đầu sự phá sản của chủ nghĩa thực dân mới trên toàn thế giới. Đánh giá về tầm vóc thắng lợi của sự kiện lịch sử này, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (12/1976) khẳng định: Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và tính thời đại sâu sắc.
Xe tăng Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập. Ảnh: Báo Quân đội nhân dân
Phát huy tinh thần yêu nước, tự lực tự cường cùng ý chí quyết tâm, bản lĩnh, sáng tạo vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nắm bắt thuận lợi, thời cơ; sau 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo nhiều dấu ấn nổi bật: Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển mạnh mẽ. Năm 2024, tăng trưởng cả năm đạt 7,09% (thuộc nhóm số ít các nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới); kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư. Quy mô GDP theo giá hiện hành ước đạt 11.511,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 476,3 tỷ USD; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành ước đạt 114 triệu đồng/người, tương đương 4.700 USD; năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 221,9 triệu đồng/lao động. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32/193. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 786,29 tỷ USD, xuất siêu 24,77 tỷ USD. Thu NSNN ước cả năm đạt 2.037,5 nghìn tỷ đồng. Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới với 38,23 tỷ USD đăng ký, vốn thực hiện đạt 25,35 tỷ USD; khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam ước đạt 17,6 triệu lượt. Cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch tích cực. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế… đều có sự phát triển vượt bậc, an sinh xã hội được tập trung bảo đảm; đời sống người dân được cải thiện. Đến năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,93%. Chất lượng khám, chữa bệnh từng bước được nâng lên; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng từ 90,2% năm 2020 lên 94,1% năm 2024. Chất lượng giáo dục các cấp được cải thiện. Ứng dụng khoa học - công nghệ được tăng cường. Chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên; lực lượng lao động, tỷ lệ lao động có việc làm tăng. Các chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng được ưu tiên, chú trọng; công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, giáo dục thanh, thiếu niên, phát huy vai trò người cao tuổi, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, thông tin truyền thông... được tăng cường. Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc và lợi ích quốc gia - dân tộc tiếp tục được bảo vệ vững chắc. Hội nhập quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, đạt nhiều thành tựu quan trọng. Mở rộng, làm sâu sắc thêm quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có 3 nước quan hệ đặc biệt, 9 nước đối tác chiến lược toàn diện, 19 nước đối tác chiến lược (bao gồm cả 9 nước đối tác chiến lược toàn diện) và 13 nước đối tác toàn diện, trong đó đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; mở rộng quan hệ kinh tế - thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Để phát huy được tinh thần đó, tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, biến những thành tựu vẻ vang trong quá khứ thành động lực để hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, phát triển phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, thịnh vượng của dân tộc Việt Nam, chúng ta cần tiếp tục:
1. Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý luận về đường lối đổi mới; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng. Gắn kết chặt chẽ tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận với xây dựng và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
2. Nhận diện sớm, phát huy nhanh mọi thời cơ, thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ chiến lược, trong đó: Phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa, con người là nền tảng; tăng cường quốc phòng, an ninh và đẩy mạnh đối ngoại, hội nhập quốc tế là trọng yếu, thường xuyên. Khơi dậy mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta lòng yêu nước cách mạng, tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vững bước vào kỷ nguyên mới, đạt mục tiêu chiến lược đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
3. Đẩy mạnh, xây dựng, hoàn thiện thể chế phát triển nhanh, bền vững đất nước, kiên quyết tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt, khơi thông và giải phóng mọi nguồn lực, phát huy mọi động lực. Đổi mới mạnh mẽ, hiệu quả mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao. Tự chủ chiến lược phát triển; phát huy nguồn nội lực là chủ đạo, nguồn lực quốc tế là quan trọng; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển. Đồng bộ và đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; tập trung phát triển lực lượng sản xuất mới (kết hợp giữa nguồn nhân lực chất lượng cao với tư liệu sản xuất mới, hạ tầng chiến lược về giao thông, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh) gắn với hoàn thiện quan hệ sản xuất. Đẩy mạnh công nghệ chiến lược, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo làm động lực chính cho phát triển.
4. Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh toàn diện; nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng; tăng cường kiểm soát quyền lực, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tiếp tục nghiên cứu, sắp xếp tinh gọn đơn vị hành chính các cấp; hoàn thiện nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị gắn với cơ cấu lại và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Kiên định lập trường, quan điểm và thực hành “Dân là gốc”, “Nhân dân là chủ thể, trung tâm của công cuộc đổi mới”, thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân; tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng; thực hiện nhất quán nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân; bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, vai trò làm chủ và chủ thể của Nhân dân là những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn mới.
Đổi mới mạnh mẽ việc ban hành và quán triệt, thực hiện nghị quyết của Đảng; xây dựng các tổ chức cơ sở đảng, đảng viên; đổi mới công tác kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động của Đảng và Nhà nước. Đổi mới quy trình xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật trên cơ sở bám sát thực tiễn, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm"; cải cách triệt để thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp. Tập trung kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "lợi ích nhóm". Chủ động, tích cực, khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới, tạo khung khổ pháp lý để thực hiện thành công cuộc cách mạng về chuyển đổi số, tạo đột phá cho phát triển đất nước những năm tiếp theo.
5. Luôn giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng; sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng "thế trận lòng dân", lấy "yên dân" là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kiên quyết, kiên trì, chủ động tạo lập thời cơ, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển đất nước. Kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tăng cường đầu tư thích đáng cho việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy; tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
6. Giữ vững độc lập tự chủ, bảo đảm cao nhất lợi ích của quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Kiên trì và sáng tạo thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, hiệu quả. Chủ động tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; phấn đấu trở thành thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, vì lợi ích chung của hòa bình, hợp tác, phát triển của khu vực và trên thế giới.
Hữu Bình