Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII của tỉnh xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước; đến năm 2030 xây dựng Vĩnh Phúc thành tỉnh phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ bản đủ các tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2045 Vĩnh Phúc là thành phố phát triển toàn diện trên tất cả các mặt về kinh tế, xã hội, môi trường; nền kinh tế phát triển theo hướng kinh tế số, kinh tế tri thức. Để đạt được mục tiêu đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Phúc luôn nỗ lực phấn đấu làm theo lời dạy của Bác: “Phải làm cho Vĩnh Phúc trở thành một tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất miền bắc nước ta”.
Sinh thời dù bận bịu trăm công ngàn việc nhưng mỗi khi có dịp Bác vẫn dành thời gian đi thăm hỏi tình hình thực tế đời sống nhân dân khắp cả nước. Trong đó, Vĩnh Phúc vinh dự được Bác ghé thăm, động viên và chỉ đạo công việc 8 lần. Có những lần Bác báo trước khi về thăm, có lần về đột xuất, lại có những lần Bác đi công tác ngang qua nhưng đã dành một phần thời gian để nói chuyện với Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh.
Lần đầu tiên là sáng ngày 19/5/1955, đúng ngày sinh lần thứ 65 Bác về thăm Tam Đảo. Nơi Bác đến thăm là công trình phục vụ chuyên gia các nước Xã hội chủ nghĩa anh em giúp ta xây dựng nền công nghiệp miền Bắc sẽ lên nghỉ mát cuối tuần. Ở đây Bác đến thăm, kiểm tra, động viên cán bộ, công nhân viên đang ngày đêm hàn gắn vết thương chiến tranh trên vùng đất Tam Đảo - Vĩnh Phúc. Bác đã vượt gần 100 cây số, trong đó có hàng chục cây số đường núi cheo leo để lên Tam Đảo, không phải để nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng mà Bác lên như nhắc nhở: Tam Đảo phải xây dựng sao cho xứng đáng là khu nghỉ mát do chúng ta làm nên trên đống hoang tàn của chiến tranh, làm sống lại những vẻ đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người.
Lần thứ hai như một phần thưởng bất ngờ và quý báu Bác dành tặng cho nhân dân xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ngày mùng 1 Tết Bính Thân (12/02/1956), Bác cùng một số cán bộ Trung ương về thăm địa phương. Khi đó Tân Phong là một xã thuần nông, còn nhiều khó khăn nằm ở phía Nam của huyện Bình Xuyên nhưng có thành tích xuất sắc trong kháng chiến chống Pháp. Sau thắng lợi của kháng chiến chống Pháp, nhân dân xã Tân Phong tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh và hoàn thành cải cách ruộng đất đạt thành tích xuất sắc, trở thành điển hình tiên tiến của huyện Bình Xuyên. Nhận được tin báo của Văn phòng Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, từ ngày 28 tết, Thường trực Huyện ủy Bình Xuyên đã cử cán bộ và công an về Tân Phong cùng lãnh đạo xã chuẩn bị cho cuộc đón tiếp khách Trung ương về thăm địa phương vào mùng 1 tết. Công tác chuẩn bị điểm đón, nơi mít tinh quần chúng và một số gia đình để đoàn đến thăm đã được các đồng chí có trách nhiệm bố trí chu đáo. Bác đến thăm nhà anh Thêm, một cố nông ở thôn Yên Định, mới được chia căn nhà lá trong cải cách ruộng đất. Tin Bác Hồ về loan truyền rất nhanh, bà con trong xã ào ào chạy đến chật kín sân nhà. Thế là Bác nói chuyện và tự nhiên nơi đây trở thành cuộc mít tinh đón Bác thật chân tình, đơn giản. Tại Tân Phong, Bác ân cần thăm hỏi, khuyên bà con nên tham gia vào các tổ đổi công để tương trợ nhau tăng gia sản xuất. Bác dặn dò các cháu thiếu nhi học hành chăm chỉ, ngoan với cha mẹ, giúp cha mẹ bế em, quét nhà… Sau nhà anh Thêm, Bác yêu cầu lãnh đạo xã đưa Bác đi thăm gia đình bà Đằng, người phụ nữ đã từng nuôi dưỡng bộ đội dù bị địch bắt, tra tấn dã man nhưng bà vẫn kiên quyết không khai, bà đã được tặng Huân chương kháng chiến.
Năm 1958, năm đầu tiên tỉnh Vĩnh Phúc triển khai phong trào Hợp tác hoá nông nghiệp theo Nghị quyết 14 của Trung ương về cải tạo XHCN đối với các thành phần kinh tế, trong đó có nông nghiệp, Bác đã về Vĩnh Phúc 2 lần. Ngày 30/3/1958 Bác Hồ về thăm HTX-NN Lai Sơn xã Cộng Hoà, huyện Tam Dương - Một điển hình tiên tiến trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp theo chủ trương của Trung ương Đảng, ngày nay, Lai Sơn thuộc phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Cùng đi với Bác có đồng chí Nguyễn Mạnh Hồng, Phó trưởng ban công tác nông thôn Trung ương. Đến Lai Sơn, Bác dừng chân đầu tiên là nhà đồng chí Nguyễn Văn Tấn (chủ nhiệm HTX) để gặp gỡ các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện, xã và HTX để nghe báo cáo tình hình chung của xã Cộng Hòa và HTX Lai Sơn. Sau khi nghe lãnh đạo xã và HTX báo cáo, Bác đi thăm một số gia đình trong thôn, sau đó tới nơi bà con nông dân, thiếu nhi và bộ đội tập trung chào đón Bác để gặp gỡ, nói chuyện.
Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Bác thăm hỏi đồng bào, cán bộ, bộ đội, các cháu thiếu niên, nhi đồng và Bác khen ngợi xã Cộng Hòa có nhiều thành tích trong kháng chiến chống Pháp, nay lại là địa phương làm ăn giỏi, trong đó đặc biệt là thôn Lai Sơn, xây dựng một HTX kiểu mẫu của tỉnh. Bác căn dặn đồng bào và cán bộ trong xã phải hăng hái đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống, xây dựng nông thôn mới. Muốn làm được tốt, Bác nhấn mạnh cần phải đoàn kết và động viên nhau vào tổ đổi công rồi tiến lên HTX. Muốn xây dựng được tổ đổi công và HTX tốt thì phải làm cho mọi người hiểu rõ lợi ích để họ tự nguyện tham gia. Tuyệt đối không được cưỡng ép, mệnh lệnh. Làm ăn trong tổ đổi công và HTX phải dân chủ bàn bạc, đoàn kết, chống tham ô, lãng phí. Bác khuyên đồng bào vừa sản xuất lương thực, vừa phải tích cực chăn nuôi và trồng cây ở những nơi đất rộng, không được để hoang ruộng đất.
Ở xã Cộng Hòa thời gian đó có một đơn vị bộ đội đang đóng quân, nên đơn vị đã tập trung cùng nhân dân đón Bác. Bác ân cần thăm hỏi cán bộ, chiến sỹ về ăn, ở, học tập. Bác căn dặn bộ đội phải tích cực học tập chính trị, kỹ thuật quân sự và đoàn kết, giúp đỡ nhân dân, giữ mối quan hệ “quân dân như cá với nước”. Bác thăm hỏi các cháu thiếu niên, nhi đồng và Bác chia kẹo cho các cháu như người ông đi xa mới về. Trước khi rời Lai Sơn - Cộng Hòa, Bác đã tặng Huy hiệu của Bác cho đồng chí Nguyễn Văn Tấn (Chủ nhiệm HTX Lai Sơn) và đồng chí Nguyễn Văn Đáp, Bí thư Đoàn thanh niên, đồng thời là Tổ trưởng một tổ đổi công xuất sắc của xã Cộng Hòa.
Lần thứ 4 về Bác thăm Vĩnh Phúc vào giữa tháng 12/1958, Tỉnh ủy, Uỷ ban hành chính tỉnh đã tổ chức lớp bồi dưỡng cán bộ quản lý HTX nông nghiệp, bao gồm chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, các thành viên trong Ban quản lý HTX như kế hoạch, kiểm soát, kế toán... để nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế tập thể ở nông thôn. Lớp bồi dưỡng của tỉnh Vĩnh Phúc đặt tại thị xã Phúc Yên, nơi cơ quan của tỉnh đặt trụ sở thời kỳ này. Đồng thời, Vĩnh Phúc cũng là nơi có nhiều kinh nghiệm về công tác cải tạo XHCN đối với nông nghiệp, nên được Trung ương tin tưởng giao phó nhiều nhiệm vụ quan trọng về nông nghiệp, về an ninh quốc phòng (trong đó có cả việc Quân ủy Trung ương lấy Vĩnh Phúc làm thí điểm thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự). Với vị thế như vậy, Trung ương mà đặc biệt là Bác Hồ rất quan tâm đến Vĩnh Phúc. Ở lớp bồi dưỡng cán bộ HTX Nông nghiệp của tỉnh tổ chức tại Phúc Yên, Bác dành nhiều thời gian để phân tích về kinh tế nông nghiệp nói chung và HTX nói riêng. Bác nhấn mạnh về lợi ích của HTX, của lối làm ăn mới, làm ăn tập thể. Bác đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề dân chủ. Vì lớp học là cán bộ quản lý, nên Bác yêu cầu mọi người phải quán triệt tinh thần dân chủ trong quản lý, điều hành sản xuất. Phải dân chủ trong mọi công việc, vì chỉ có dân chủ tốt thì vấn đề sản xuất, phân phối sản phẩm mới rõ ràng, công khai, mới bảo đảm đoàn kết và đặc biệt dân chủ sẽ tạo ra sức mạnh tập thể, khắc phục những nhược điểm, yếu kém của cá nhân, xây dựng HTX vững mạnh. Bác còn yêu cầu công tác kế toán phải rõ ràng, phân minh, chống tham ô, lãng phí. Cuối cùng Bác yêu cầu đảng viên phải là người đi trước để “làng nước theo sau”. Bác nói chuyện với bộ đội và lớp bồi dưỡng cán bộ HTX thật ngắn gọn nhưng thật sâu sắc, vì Bác nói cụ thể, sát thực tế làm mọi người dễ hiểu mà nhớ lâu, dễ vận dụng vào công việc hàng ngày.
Năm 1961, là năm thứ hai thực hiện lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch về trồng cây gây rừng, thôn Lạc Trung đã đạt kết quả rất lớn. Từ bình quân chung toàn huyện 2 cây một người năm 1960, Lạc Trung đã đạt con số 10 cây một người. Với thành tích như vậy, Lạc Trung đã nổi tiếng toàn miền Bắc và được đón Bác Hồ về thăm ngày 25/1/1961. Cùng đi với Bác tới Lạc Trung có đồng chí Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy. Trước khi nói chuyện với cán bộ, nhân dân Lạc Trung và Bình Dương, Bác đi thăm vườn ươm cây của HTX, thăm một số nhà dân, đi dưới những tán cây của đường làng, rồi ra cánh đồng có những hàng cây trồng trên bờ ruộng, ven kênh mương. Nói chuyện với nhân dân, Bác khen ngợi Lạc Trung nói riêng, Bình Dương nói chung, nhưng cũng nhắc nhở, phê bình các nơi khác trong huyện Vĩnh Tường và tỉnh Vĩnh Phúc chưa trồng cây được như Lạc Trung. Bác nhấn mạnh trồng cây phải trở thành phong trào quần chúng rộng lớn mới có hiệu quả. Có lẽ phong trào trồng cây ở Lạc Trung gây “ấn tượng” tốt với Bác, nên Bác rất chú ý đến Lạc Trung, Bác muốn từ Lạc Trung phải nhân rộng ra toàn miền Bắc. Bởi vậy, sau 3 ngày về thăm Lạc Trung, Bác viết một bài đăng trên báo Nhân dân số 2506, ngày 28/1/1961, bài báo có đoạn: “Thôn Lạc Trung (tỉnh Vĩnh Phúc) hồi kháng chiến bị giặc Pháp đốt sạch, không còn một gốc cây nào… Nhờ trồng cây có kế hoạch, mà từ một thôn trơ trọi, chỉ trong vài năm Lạc Trung đã trở nên xanh tươi nhất trong cả huyện Vĩnh Tường”. Rất hiếm có một nơi nào mà Bác vừa đến tận nơi thăm động viên, rồi lại viết báo Đảng để tuyên truyền “kinh nghiệm”, nhân lên thành điển hình tiên tiến.
Những tình cảm mà Bác đã ưu ái dành cho Lạc Trung ngày ấy, thực sự là những phần thưởng cao quý. Từ sau ngày Bác về thăm, cán bộ, đảng viên và nhân dân Lạc Trung nói riêng, xã Bình Dương nói chung đã thực hiện tốt lời dạy của Bác, đạt thành tích xuất sắc không chỉ về trồng cây, mà trở thành một đơn vị điển hình về nhiều mặt của huyện Vĩnh Tường và của cả tỉnh Vĩnh Phúc.
Vụ đông xuân 1962 - 1963, các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ gặp đại hạn. Ở Vĩnh Phúc, nhiều cánh đồng, kể cả đầm chiêm cũng cạn khô nứt nẻ. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Vĩnh Phúc ra sức chống hạn nhưng vẫn còn 2 vạn mẫu ruộng đã cấy vẫn thiếu nước, 2 vạn mẫu không có nước nên vẫn bỏ không. Ngày 02/3, Bác đến trụ sở Tỉnh ủy khu Đồi Cao. Sau khi làm việc với Tỉnh ủy, nghe đồng chí Kim Ngọc - Bí thư Tỉnh ủy báo cáo tình hình sản xuất, chống hạn và đời sống người dân, đồng chí Kim Ngọc mời Bác ra lễ đài nói chuyện với các cán bộ chiến sĩ đồng bào Vĩnh Phúc. Bác ra lễ đài, đã có gần 2 vạn người đang chờ đón. Khi Bác tới, cả rừng cờ, rừng người đứng dậy hô vang: “Hồ Chủ tịch muôn năm, Hồ Chủ tịch muôn năm”, Bác hiền từ đứng lên lễ đài, chào và ra hiệu cho mọi người ngồi xuống. Bác nói: “Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ hỏi thăm đồng bào cán bộ, bộ đội, các cụ phụ lão, các cháu thanh niên nhi đồng, đồng thời khen ngợi các hợp tác xã, đồng bào miền núi, công nhân, bộ đội, cán bộ, các cụ phụ lão, các cháu học sinh đã ra sức sản xuất và chống hạn có kết quả khá”. Nói chuyện với nhân dân về chống hạn, Bác căn dặn, tuy hạn đã cơ bản bị đẩy lùi, nhưng có thể bị hạn lại; bởi vậy, luôn sẵn sàng chống hạn. Bác gợi ý: nước chống hạn có 3 nguồn: trời mưa, nước sông ngòi và nước dưới đất. Bác yêu cầu: “Chúng ta phải dùng đủ mọi cách để chống hạn và sản xuất...” ra sức tiếp tục chống hạn. Cuối cùng, Bác chúc đồng thời cũng là lời căn dặn và giao nhiệm vụ cho Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh: “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta...” Sau khi Bác nói chuyện xong, đồng chí Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy thay mặt toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh hứa với Bác quyết tâm thi đua chống hạn, đẩy mạnh sản xuất và mọi mặt công tác khác, thực hiện đúng lời dạy của Bác.
Kể từ sau ngày Bác về thăm Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà ngày 2/3/1963, tình hình mọi mặt trong tỉnh có những chuyển biến tích cực. Các phong trào quần chúng trong sản xuất phát triển mạnh mẽ, nhất là phong trào thi đua đuổi kịp HTX Đại Phong (Quảng Bình) đã làm thay đổi hẳn tình hình xây dựng và củng cố HTX nông nghiệp. Toàn tỉnh dấy lên khí thế “Gió Đại phong”, “Sóng Duyên hải, “Cờ Ba nhất” ... Đặc biệt, trong công tác xây dựng Đảng có nhiều khởi sắc bởi toàn Đảng bộ vừa phấn đấu làm theo lời Bác dạy khi Bác về thăm, vừa tiến hành triển khai cuộc vận động rèn luyện đảng viên và tổ chức Đảng theo tiêu chuẩn 4 tốt do Trung ương Đảng đề ra từ tháng 6/1962. Ngày 16/7/1963 Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp lên công tác tại Khu nghỉ mát Tam Đảo, Bác đã tới thăm và nói chuyện với Đại hội Đảng bộ tỉnh. Đây là lần thứ hai trong năm 1963 Bác về Vĩnh Phúc. Nói chuyện với Đại hội, Bác yêu cầu: “Mỗi một đảng viên đều phải gương mẫu. Bác nào chưa gương mẫu thì cố gắng trở thành gương mẫu cho xứng đáng là đảng viên. Tất cả các đảng viên trong tỉnh đều gương mẫu để làm cho 56 vạn dân trong tỉnh thấm nhuần tinh thần làm chủ, cần, kiệm xây dựng nước nhà, xây dựng CNXH...”
Chắc ít ai được biết vào năm 1968, khi tuổi đã cao, sức khoẻ kém, Bác vẫn có chuyến công tác lên Tam Đảo - Vĩnh Phúc. Và đó là chuyến công tác lên Vĩnh Phúc cuối cùng của Bác. Tuy nhiên, theo yêu cầu công việc đây là chuyến đi công tác hoàn toàn bí mật. Không có những cuộc tiếp xúc với lãnh đạo tỉnh và nhân dân Vĩnh Phúc.
Những lần Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Tam Đảo đều ở ngôi nhà gỗ ở Khu Giao tế tại lưng chừng núi. Khu này có 2 ngôi nhà gỗ chung một kiểu kiến trúc, cách nhau chừng 30m. Phía nhau nhà số 1 có căn hầm bằng bê tông do công binh ta đào để trú ẩn tránh chiến tranh phá hoại bằng không quân của giặc Mỹ. Hầm khá dài, gấp khúc, có hệ thống điện chiếu sáng và cánh cửa sắt dầy che chắn. Phía trước nhà số 2 có cây ổi và chiếc ghế bằng xi măng. Thời kỳ chưa có chiến tranh, Chủ tịch Hố Chí Minh lên Tam Đảo thường nghỉ tại ngôi nhà này. Buổi sáng sớm và chiều tối Bác thường ngồi nghỉ dưới gốc cây ổi hoặc trên ghế đá đọc sách, báo hoặc chuyện trò với cán bộ Trung ương, cán bộ Chính phủ, cán bộ địa phương, cán bộ chiến sỹ bảo vệ cùng đi với Bác. Sau này, khi giặc Mỹ bắn phá miền Bắc, Bác lên Tam Đảo, các đồng chí phục vụ mời Bác nghỉ ở nhà số 1 cho gần hầm trú ẩn hơn. Hiện nay hai ngôi nhà gỗ đã không còn nữa, chỉ còn lại căn hầm trú ẩn. Cảnh quan Khu di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Tam Đảo vẫn đủ điều kiện để tôn tạo, phục hồi, phát huy giá trị, phục vụ cho công tác tham quan, nghiên cứu và giáo dục truyền thống.
Trên chặng đường dài phấn đấu làm theo lời Bác dạy, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc đã đạt được những thành quả quan trọng nhất là sau hơn 20 năm tái lập tỉnh. Những thành quả ấy đã làm thay đổi cơ bản của tỉnh cả ở nông thôn và thành thị. Kinh tế - xã hội Vĩnh Phúc ngày nay so với những năm Bác về thăm trước đây đã khác xa rất nhiều. Cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng, nâng cấp đồng bộ; hệ thống y tế, chăm sóc sức khoẻ ngày càng hiện đại. Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc có thể tự hào thưa với Bác rằng: Vĩnh Phúc đã bước đầu thực hiện thắng lợi lời Bác dặn: làm cho Vĩnh Phúc trở thành tỉnh giàu có, phồn thịnh.
Đỗ Hà