Danh xưng Phủ Vĩnh Tường có từ năm 1822 với sự kiện vua Minh Mệnh đổi tên Phủ Tam Đa thành Phủ Vĩnh Tường. Hướng tới kỷ niệm 200 năm Danh xưng Vĩnh Tường (1822-2022), huyện đã và đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để tổ chức chuỗi các hoạt động đảm bảo trang trọng, ý nghĩa, xứng tầm bề dày lịch sử, văn hóa của địa phương.
Vĩnh Tường là vùng đất cổ thuộc dải đồng bằng bồi tụ của sông Hồng, nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Vĩnh Phúc. Dựa vào những phát hiện khảo cổ học trên địa bàn huyện, từ xa xưa là địa bàn cư trú của người thượng cổ thuộc giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên, cách ngày nay khoảng 4.000 năm. Trải qua những biến thiên của lịch sử, vùng đất Vĩnh Tường có nhiều thay đổi về tên gọi. Năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) vào ngày Giáp Ngọ, tháng Quý Mão (tức ngày 18 tháng 2 năm Nhâm Ngọ), dương lịch ngày 11/3/1822, vua Minh Mạng đã đổi tên Phủ Tam Đa thành Phủ Vĩnh Tường. Danh xưng Vĩnh Tường chính thức có từ đó, với ý nghĩa về một vùng đất vững chãi dài lâu, thể hiện ý chí quật cường, tinh thần anh dũng, quả cảm của nhân dân vùng đất nơi đây.

Bản đồ Phủ Vĩnh Tường thời Đồng Khánh (Vị trí khoanh vòng tròn đỏ là địa phận huyện Vĩnh Tường ngày nay)
Xác định sự kiện kỷ niệm 200 năm Danh xưng Vĩnh Tường là một trong những hoạt động có tầm vóc và ý nghĩa lớn của huyện, nên ngay từ đầu năm, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện theo Kế hoạch số 789/KH-UBND ngày 18/3/2022 về việc tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 200 năm Phủ Vĩnh Tường (1822-2022). Đây là dịp để các thế hệ người dân Vĩnh Tường ôn lại truyền thống lịch sử, cách mạng của địa phương; khơi dậy niềm tin tưởng, tự hào trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về sự lãnh đạo của Đảng, thành tựu đổi mới của quê hương, đất nước. Đồng thời, quảng bá, giới thiệu về tiềm năng của Vĩnh Tường nhằm thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh.
Theo kế hoạch, chuỗi các sự kiện quan trọng sẽ được diễn ra gồm: Phát động phong trào thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn trong năm 2022, gắn với kỷ niệm 200 năm Phủ Vĩnh Tường với Chủ đề: “Gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng quê hương Vĩnh Tường Xanh - Sạch - Đẹp - Văn minh - Đáng sống”; Tổ chức Hội thảo khoa học “200 năm Danh xưng Vĩnh Tường (1822-2022)” với 35 đề tài tham luận được các nhà khoa học của Viện Hán Nôm, Viện Sử học, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh... tập trung nghiên cứu, điền dã, viết bài, tham luận tại hội thảo (dự kiến tổ chức vào tháng 7/2022); Biên tập, chỉnh lý, xuất bản các tác phẩm như: “Di sản Hán Nôm trên địa bàn huyện Vĩnh Tường”, “Danh nhân Vĩnh Tường” và sách ảnh “Du lịch Vĩnh Tường - Nét duyên vùng đất Phủ” (phần kênh chữ song ngữ: Việt- Anh); Tổ chức cuộc thi viết tìm hiểu “Phủ Vĩnh Tường - 200 năm hình thành và phát triển”; Tổ chức Hội thi xe tuyên truyền lưu động với Chủ đề: “Phủ Vĩnh Tường - 200 năm một chặng đường” có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với sự tham gia của gần 40 xe tuyên tuyền lưu động của 28 xã, thị trấn, các trường THPT, một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện...
Ngoài ra, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao từ huyện đến cơ sở cũng được triển khai thực hiện gắn với tổ chức Đại hội TDTT các cấp huyện Vĩnh Tường năm 2022, hướng tới kỷ niệm 200 năm Danh xưng Vĩnh Tường. Nhân dịp này, huyện sẽ khởi công 02 công trình trọng điểm chào mừng: Thư viện, Nhà truyền thống huyện và Quán thơ Hồ Xuân Hương (tọa lạc ở vị trí đắc địa bên cạnh vực Xanh); Biển quảng cáo điện tử tấm lớn đặt tại trung tâm huyện.
Chuỗi các hoạt động kỷ niệm 200 năm Phủ Vĩnh Tường (1822-2022) hiện nay đang được các cơ quan, đơn vị tích cực triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch, Lễ kỷ niệm dự kiến sẽ tổ chức vào tháng 10/2022. Trong thời gian tới, dưới sự lãn đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, sự vào cuộc cả hệ thống chính trị cùng sự nhất trí, đồng lòng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, huyện sẽ nỗ lực hoàn thành và hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, lập thành tích chào mừng 200 năm Danh xưng Vĩnh Tường.
Lê Chí Thái - Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện