Ngày 25/1/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 170/QĐ-BVHTTDL về việc công nhận Khu du lịch Tam Đảo (huyện Tam Đảo) là Khu du lịch quốc gia. Đây là cơ hội để tỉnh Vĩnh Phúc đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá các tài nguyên, sản phẩm du lịch đặc sắc, thu hút đầu tư phát triển vào các lĩnh vực dịch vụ du lịch, góp phần quan trọng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Một góc khung cảnh khu du lịch Tam Đảo
Khu du lịch quốc gia Tam Đảo nằm cách thủ đô Hà Nội 60 km, cách sân bay quốc tế Nội Bài 40 km, là địa điểm du lịch văn hóa, tâm linh độc đáo và du lịch nghỉ dưỡng hấp dẫn, thu hút hàng vạn du khách tới thăm quan mỗi năm.
Với tổng diện tích 10.723 ha, Khu du lịch quốc gia Tam Đảo được chia thành 4 phân khu, bao gồm: Phân khu dịch vụ hành chính của Vườn Quốc gia Tam Đảo (diện tích 5.399 ha), khu vực chân núi Tam Đảo (diện tích 4.561,5 ha), khu di tích và danh thắng Tây Thiên (diện tích 477,6 ha), khu du lịch Tam Đảo (diện tích 284,9 ha).
Ranh giới Khu du lịch quốc gia Tam Đảo được xác định như sau: Phía Đông Bắc và phía Đông giáp Vườn quốc gia Tam Đảo thuộc địa phận huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Thái Nguyên; phía Đông Nam giáp Trường bắn Cam Lâm và đất rừng xã Minh Quang, huyện Tam Đảo; phía Nam giáp đất lúa xã Minh Quang, huyện Tam Đảo; phía Tây giáp tỉnh lộ 302 đoạn qua thị trấn Hợp Châu, xã Hồ Sơn và xã Tam Quan, huyện Tam Đảo; phía Tây Bắc giáp đất rừng sản xuất các xã Bồ Lý, Yên Dương, huyện Tam Đảo và huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
Trong chiến lược phát triển du lịch, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch huyện Tam Đảo đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 một cách bài bản, trong đó, định hướng cụ thể phát triển các loại hình du lịch đang là thế mạnh của Tam Đảo - Tây Thiên như du lịch sinh thái rừng, nghỉ dưỡng chữa bệnh, mạo hiểm, thám hiểm khám phá Vườn Quốc gia Tam Đảo. Trong đó, ưu tiên xây dựng Khu du lịch Tam Đảo trở thành khu du lịch mang tầm quốc tế, tạo dựng không gian du lịch có sự liên kết chặt chẽ, thống nhất về không gian, chức năng và hạ tầng du lịch, kỹ thuật với các khu lân cận, góp phần đẩy mạnh sự phát triển và thu hút khách đến với Tam Đảo.
Hiện, nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực thương mại, du lịch, vui chơi giải trí, bất động sản rất quan tâm đến Tam Đảo, biến khu vực này trở thành điểm thu hút đầu tư mới, nhất là đầu tư vào công nghiệp xanh, công nghiệp sạch.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc có nhiệm vụ báo cáo UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức công bố quyết định này để quảng bá hình ảnh, xúc tiến đầu tư, thu hút khách du lịch.
Việc công nhận Khu du lịch Quốc gia Tam Đảo là cơ hội để Vĩnh Phúc tiếp tục phấn đấu hoàn thiện nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch toàn diện, đảm nhiệm vai trò du lịch là hạt nhân, trung tâm phát triển du lịch, dịch vụ của Vĩnh Phúc và của vùng. Đồng thời, quảng bá mạnh mẽ hơn nữa đến đồng bào và du khách quốc tế về mảnh đất và con người Vĩnh Phúc.
Hải Yến