Sáng nay (11/11), Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với 3 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngân hàng, y tế, thông tin và truyền thông. Đây là những nội dung thu hút sự quan tâm, theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân với mong muốn phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ có chất lượng, trọng tâm, trọng điểm như kỳ vọng, có giải pháp giải quyết các tồn tại, hạn chế nổi cộm đã chỉ ra trong công tác quản lý, điều hành trên cả 3 lĩnh vực.
Ngóng chờ những giải pháp tháo gỡ khó khăn
Phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV diễn ra trong 2 ngày với những vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm.
Là một trong những lĩnh vực được lựa chọn chất vấn tại kỳ họp lần này, lĩnh vực y tế với vấn đề bảo đảm thuốc men, vật tư y tế cung cấp cho người dân nhận được sự quan tâm đặc biệt của cử tri và các đại biểu Quốc hội ngay trước thềm phiên chất vấn.
Thực tế cho thấy nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về công tác đấu thầu nói chung và đấu thầu mua thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế đã được ban hành, song thực tế vẫn còn một số vướng mắc, dẫn tới có những bệnh viện lúng túng, đắn đo trước nguy cơ phải mua giá đắt. Bệnh nhân thì đang rất cần thuốc, rất cần được điều trị, trong khi bệnh viện có tiền cũng không tự tin đấu thầu, mua sắm… Đó là những nội dung được rất nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm trước thềm phiên chất vấn và đặt câu hỏi: Vậy thì vấn đề nằm ở đâu?
Quan tâm đến lĩnh vực thông tin và truyền thông, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại về tình trạng lộn xộn, phức tạp trong lĩnh vực quảng cáo, nhất là quảng cáo sai sự thật, phóng đại. Các trang thương mại điện tử hoạt động trái phép và các trang mạng xã hội tràn lan thông tin xấu, độc. Đại biểu Trần Quốc Tuấn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh mong muốn qua phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cần có cam kết mạnh mẽ trong việc ngăn ngừa những thông tin giả, thông tin sai lệch trên mạng xã hội hiện nay.
Không chỉ nóng tại nghị trường Quốc hội, phiên chất vấn tại kỳ họp lần này cũng nhận được sự quan tâm rất lớn từ người dân. Mong muốn sớm có sự ổn định thị trường vàng, anh Nguyễn Văn Học, phường Đống Đa, thành phố Vĩnh Yên chia sẻ: "Thời gian vừa qua, biến động giá vàng và thị trường tài chính khiến người dân đứng ngồi không yên. Không chỉ những người có tiền mới quan tâm, mà cả những người không có tiền cũng bị ảnh hưởng. Bởi giá vàng tăng sẽ gây sức ép lên các mặt hàng khác, dẫn đến giá cả hàng hóa tăng theo, từ đó đẩy lạm phát của nền kinh tế tăng cao hơn.
Tại phiên chất vấn lần này, tôi hy vọng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ thẳng thắn nhìn nhận thực tế và đưa ra các giải pháp cụ thể, từ đó ổn định thị trường vàng, giảm thiểu tác động tiêu cực đến đời sống người dân".
Lắng nghe, thấu hiểu và quyết liệt tháo gỡ
Báo cáo gửi đến Quốc hội trước thềm phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho thấy một kế hoạch khá chi tiết những công việc đã và đang được bộ tập trung thực hiện với sự thấu hiểu sâu sắc những khó khăn, thách thức của báo chí trong giai đoạn hiện nay.
Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, sửa đổi toàn diện Luật Báo chí trong năm 2025; kiến nghị Chính phủ, Quốc hội trong sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế giá trị gia tăng, xếp báo, đài thuộc nhóm đặc thù để áp dụng mức thuế phù hợp hơn; phối hợp với Bộ Tài chính đánh giá tình hình thực hiện và đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ báo chí phát triển.
Cùng với đó là nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh một số quy định về cơ chế tự chủ tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, cơ chế đặt hàng, định giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước nhằm tháo gỡ cho các cơ quan báo chí. Kiểm soát và điều tiết được nguồn thu quảng cáo trên không gian mạng theo hướng chuyển về các hệ sinh thái nội dung trong nước để báo chí có nguồn thu chính đáng, công bằng hơn từ nguồn quảng cáo "sạch".
Đẩy mạnh công tác hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số báo chí; thúc đẩy báo chí trong câu chuyện đồng hành với địa phương, doanh nghiệp trong quảng bá hình ảnh, thương hiệu địa phương, doanh nghiệp; có cơ chế đặt hàng để báo chí có thêm nguồn lực và động lực đầu tư các sản phẩm có nội dung chuyên sâu, chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chí truyền thông quốc tế…
Trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội phục vụ phiên chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết từ ngày 19/4 đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cung ứng 354.100 lượng vàng miếng, tương đương 13 tấn vàng ra thị trường.
Cơ quan này đánh giá thị trường vẫn chịu tác động bởi yếu tố tâm lý, tiềm ẩn rủi ro tác động đến tiền tệ, ngoại hối. Bên cạnh đó, theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, không loại trừ khả năng có sự tồn tại của các hành vi thao túng thị trường, dẫn đến tình trạng chênh lệch cao giữa giá trong nước và thế giới.
Thời gian tới, nhà chức trách sẽ cân nhắc can thiệp thị trường vàng (nếu cần thiết) với khối lượng, tần suất phù hợp để ổn định thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng khẳng định các đề xuất sửa, bổ sung Nghị định 24 quản lý thị trường vàng sẽ phù hợp với thực tế, ngăn chặn tình trạng vàng hóa nền kinh tế và không để biến động giá ảnh hưởng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 11/11, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan về nhóm vấn đề lĩnh vực y tế, trong đó có việc huy động, bố trí lực lượng y tế, bảo đảm thuốc men, vật tư y tế cung cấp cho người dân và công tác phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai.
Chia sẻ thông tin với truyền thông trước thềm phiên chất vấn, đại diện ngành Y tế cho biết: Từ những bài học kinh nghiệm sâu sắc trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 về huy động, bố trí lực lượng y tế; đồng thời để chủ động, sẵn sàng đáp ứng kịp thời với những diễn biến của dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi và tình trạng y tế công cộng khẩn cấp, thiên tai, thảm họa, ngành Y tế đang tập trung triển khai nhiều giải pháp về xây dựng hoàn thiện thể chế, quy hoạch hệ thống, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, chế độ, chính sách cho cán bộ y tế và phát triển y tế cơ sở, từng bước củng cố hệ thống y tế dự phòng... Công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai được duy trì, sẵn sàng đáp ứng với các tình huống.
Chất vấn trên nghị trường không phải là một cuộc thi hay sát hạch mà là một hình thức để cộng đồng giám sát trách nhiệm, làm rõ thực trạng, đề ra giải pháp thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước một cách tốt hơn.
Ngay trước phiên chất vấn, tư lệnh các ngành đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm mục đích cùng nhau làm sáng tỏ các vấn đề được hỏi, chất vấn để giải quyết kịp thời, hiệu quả những yêu cầu của thực tiễn đặt ra. Vì thế, cử tri và nhân dân rất kỳ vọng vào kết quả phiên chất vấn lần này, với những câu hỏi đúng và trúng, trả lời tường minh, rõ trách nhiệm nhằm sớm khắc phục những bất cập đang tồn tại hiện nay.
Thiệu Vũ (Nguồn: baovinhphuc.com.vn)