Ngày 27/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp.
Đoàn ĐBQH tỉnh chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại kỳ họp.
Mở đầu phiên thảo luận ngày 27/10, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Quốc hội dành 2 ngày (27, 28/10) thảo luận về các nội dung: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (trong đó có Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2023-2025, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý); Việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Các nội dung nêu trên đã được Quốc hội thảo luận tại tổ, có 205 lượt ý kiến phát biểu về kinh tế - xã hội, 83 lượt ý kiến về ngân sách và 33 lượt ý kiến về tổng kết Nghị quyết 54. Các nghị quyết, thảo luận đã được Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp gửi các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan liên quan để nghiên cứu, tiếp thu. Thời gian thảo luận tại hội trường về các nội dung là 2 ngày, trong đó 1,5 ngày đầu sẽ thảo luận về kinh tế xã hội và ngân sách 0,5 ngày cuối cùng sẽ tiếp tục thảo luận về kinh tế xã hội, ngân sách, cùng với việc tổng kết Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và các đại biểu dự kỳ họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận vào các nội dung đã nêu trong các Tờ trình của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, gợi ý thảo luận của các cơ quan thẩm tra đã chuẩn bị. Trong đó tập trung vào các vấn đề thách thức cần phải vượt qua, các bất cập, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về kinh tế - xã hội và ngân sách.
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) bày tỏ đồng tình và đánh giá cao với kết quả đạt được về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; 14/15 chỉ tiêu Quốc hội giao đạt và vượt, tăng trưởng GDP đạt 8 % là khả thi. Các chính sách kinh tế vĩ mô được điều hành linh hoạt nên chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới trần cho phép…
Hầu hết các khoản thu ngân sách nhà nước đạt và vượt dự toán, xuất nhập khẩu tăng cao, cán cân thương mại xuất siêu ở mức cao, bội chi ngân sách nhà nước và các khoản nợ công dưới trần cho phép,… Do đó kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, các nhiệm vụ chi được đáp ứng và xã hội ổn định.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng, kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022 còn nhiều hạn chế như tăng trưởng GDP tuy cao nhưng chưa bền vững, phụ thuộc nhiều vào vốn và lao động. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội chưa đạt mục tiêu, chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng của kinh tế. Thu ngân sách nhà nước chưa bền vững, tăng thu chủ yếu từ các nguồn thu có liên quan tới đất, một số khoản thu không đạt dự toán.
Nợ đọng thuế có xu hướng gia tăng, một số nhiệm vụ chưa đạt được mục tiêu xuất nhập khẩu còn phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, số doanh nghiệp rời khỏi thị trường còn cao. Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, cháy nổ còn nhiều tiềm ẩn rủi ro...
Theo đại biểu Trần Văn Tiến, công tác lãnh đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022 rất quyết liệt, từ Trung ương đến địa phương. Các chính sách tài chính, tiền tệ nhằm phục hồi và phát triển kinh tế được ban hành kịp thời. Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế được quan tâm, tạo hành lang pháp lý thông thoáng và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp sản xuất kinh doanh phát triển. Nhiều chỉ tiêu kinh tế năm 2021 tăng trưởng thấp nên so với cùng kỳ thì năm 2022 tăng trưởng cao. Công tác dự báo và lập kế hoạch một số chỉ tiêu năm 2022 còn thận trọng nên chưa sát với thực tế.
Từ những phân tích trên, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị làm rõ nguyên nhân về chỉ tiêu tăng tốc độ năng suất lao động không đạt mục tiêu và giải pháp cho năm 2023. Đồng thời, cần chỉ rõ giải pháp giải ngân vốn đầu tư công để trong ba tháng còn lại tăng từ 46,7% lên 96% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đại biểu cũng đề nghị làm rõ nguyên nhân dẫn đến thâm hụt cán cân thương mại năm 2022 ước chỉ đạt 1 tỷ USD trong khi xuất siêu đến cuối tháng 10 đạt trên 7 tỷ USD.
Thiệu Vũ (Nguồn: baovinhphuc.com.vn)