Trong thế kỷ XX, Vĩnh Phúc đã được các địa phương trong cả nước biết tới là nơi khởi nguồn của đổi mới tư duy quản lý kinh tế nông nghiệp - nông thôn, với chủ trương "Khoán hộ" táo bạo vào cuối những năm 60 của thế kỷ XX. Đó là bước đi mang tính đột phá, tạo cơ sở thực tiễn cho những đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp - nông thôn ở nước ta.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc
Quá trình tìm tòi đổi mới đó của Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc ghi đậm dấu ấn đổi mới tư duy trong thực tiễn tổ chức quản lý sản xuất nông nghiệp - nông thôn ở Vĩnh Phúc của một con người mà tên tuổi đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng, xây dựng và phát triển của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh nói riêng cà cả nước nói chung - Đó là đồng chí cố Bí thư Tỉnh uỷ Kim Ngọc.
Đồng chí Kim Ngọc (tên thật là Kim Văn Nguộc) sinh ngày 10-10-1917 trong một gia đình nông dân nghèo tại thôn Đại Nội, xã Bình Định, huyện Yên Lạc. Đồng chí sớm tham gia hoạt động yêu nước và cách mạng, rồi trở thành cán bộ đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo cao nhất của Đảng bộ tỉnh - Bí thư Tỉnh ủy. Bằng con đường chủ động học tập nâng cao trình độ, nhiều trải nghiệm thực tiễn hoạt động cách mạng trên những cương vị công tác khác nhau, đồng chí Kim Ngọc luôn thể hiện tư chất của người lãnh đạo năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám bảo lưu ý kiến, dám chịu trách nhiệm tới cùng trong những quyết sách vì nước, vì dân, gắn bó lý luận với thực tiễn. Đồng chí Kim Ngọc là hiện thân của tấm gương sáng về hết lòng ủng hộ cái mới tiến bộ, của tinh thần không ngừng đổi mới tư duy - một phẩm chất cao quý của người cộng sản chân chính hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân.
Trong gần 20 năm làm Bí thư Tỉnh uỷ (tháng 1/1959 đến tháng 5/1977), đồng chí Kim Ngọc luôn đau đáu nỗi niềm trăn trở, có những tư duy mới táo bạo và đã tổ chức triển khai trên thực tiễn tư duy đó, nhằm phấn đấu làm sao cho nông dân ta giàu, nông nghiệp - nông thôn nước ta thịnh trong đó có nông nghiệp - nông dân và nông thôn Vĩnh Phúc. Với quyết tâm và khát vọng ấy, ngày 10-9-1966 Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TU “Về một số vấn đề về quản lý lao động nông nghiệp trong hợp tác xã hiện nay” (trong thực tiễn gọi là chủ trương “Khoán hộ”). Người khởi xướng chủ trương “Khoán hộ” là Bí thư Tỉnh uỷ Kim Ngọc.
Nội dung cốt lõi của chủ trương “Khoán hộ” là đổi mới cơ chế quản lý trong hợp tác xã nông nghiệp, nhằm tạo ra động lực trong sản xuất để nâng cao năng xuất lao động, cải thiện đời sống nhân dân và đáp ứng yêu cầu đóng góp với nhà nước.
Trên thực tế “Khoán hộ” có những ưu điểm nổi bật là đã tận dụng được lao động trong mỗi hộ để tập trung cho sản xuất, khắc phục tình trạng quản lý lao động nông nghiệp theo kiểu tập thể, tức là làm việc theo hiệu lệnh “kẻng” của hợp tác xã; tạo quyền chủ động cho hộ xã viên về thời gian, đầu tư cho quá trình sản xuất để đem lại hiệu quả cao nhất; là bước khởi đầu cho một tư duy mới về quản lý kinh tế hợp tác xã, trong đó vấn đề cốt lõi là đã lấy hộ là đơn vị kinh tế để giao khoán, gắn sản phẩm cuối cùng với người lao động, nên đã tạo được động lực vượt khoán trong sản xuất, khắc phục điều vô lý trước đó là tách người lao động ra khỏi tư liệu sản xuất và sản phẩm cuối cùng của họ, làm triệt tiêu động lực trong sản xuất, làm cho sản xuất kém hiệu quả; hình thức “khoán hộ” là phù hợp cả về tâm lý, trình độ quản lý, điều hành của cán bộ lãnh đạo và phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất hiện tại lúc đó; khắc phục được những tiêu cực trong quá trình sản xuất như tình trạng dong công, phóng điểm trong các hợp tác xã, khắc phục một bước tình trạng “vô chủ” trong quản lý các tư liệu sản xuất và hạn chế nạn tham ô, chè chén ở các đội sản xuất và trong hợp tác xã nông nghiệp lúc đó.
“Khoán hộ” đã đóng góp quan trọng về lý luận và thực tiễn để Đảng ta từng bước hoạch định chủ trương đổi mới quản lý trong nông nghiệp. Đó là sự ra đời của Chỉ thị 100-CT/TW ngày 13/01/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp” (còn gọi là “Khoán 100”); Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị “Về đổi mới quản lý kinh tế trong nông nghiệp” (còn gọi là “Khoán 10”). Chủ trương “Khoán 10” với nhiều quy định mới, song về tổng thể có tiếp thu những tinh thần cốt yếu của "Khoán hộ" và có sự điều chỉnh phù hợp cho một chính sách quy mô toàn quốc.
Khi nhìn nhận về cống hiến của Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng: "Đất nước phải biết ơn anh Kim Ngọc. Một người tâm huyết dám đưa ra cái mới, đến bây giờ đất nước có phát triển là nhờ có lúa gạo mà anh Ngọc đã đi tiên phong". Thực tiễn đã chứng minh, những nội dung tiến bộ vượt thời gian của “Khoán hộ” đã thổi luồng sinh khí mới, khẳng định thực tiễn đổi mới, sáng tạo của Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc - Người có tư duy đổi mới đi trước thời gian.
Phát huy tinh thần tư duy đổi mới, sáng tạo của Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều thành tự đáng tự hào trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nói riêng. Sau hơn 25 năm tái lập, kinh tế - xã hội của tỉnh có sự phát triển mạnh mẽ. Quy mô nền kinh tế năm 2021 đạt 136,2 nghìn tỷ đồng tăng gấp 69,6 lần so với năm 1997. GRDP bình quân đầu người liên tục tăng, năm 2021 đạt 114,3 triệu đồng/người (khoảng 4.800 USD), cao hơn mức bình quân của cả nước. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2021 đạt 32,1 nghìn tỷ đồng (trong đó thu nội địa đạt 27,67 nghìn tỷ đồng), 9 tháng năm 2022 đạt trên 25 nghìn tỷ đồng, là một trong những tỉnh có điều tiết về ngân sách Trung ương. An sinh xã hội, đời sống người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 ước giảm còn 1,08%. Đến này toàn tỉnh có 105 (đạt 100%) số xã, 4/9 huyện, thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; phấn đấu đến hết năm 2022 có thêm 20-22 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 70-80 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu theo chuẩn giai đoạn 2021-2025; có 61 sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận chất lượng OCOP.
Nhìn lại cả một chặng đường ghi nhận dấu ấn thực tiễn về đổi mới tư duy nông nghiệp, nông thôn trong suốt cả chiều dài hơn 55 năm qua, chúng ta càng nhận thấy rõ hơn ý nghĩa, giá trị thực tiễn của “Khoán hộ” ở Vĩnh Phúc và vai trò của đồng chí Kim Ngọc. Những đóng góp của đồng chí Kim Ngọc đã in dấu vào đời sống hàng chục triệu người nông dân Việt Nam suốt hơn nửa thế kỷ qua. Với những cống hiến to lớn và thành tích xuất sắc trong quá trình công tác, đồng chí Kim Ngọc đã được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh năm 2009.
Nguyễn Đình Bảng