Ngày 15/9, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.
Dự tại điểm cầu Vĩnh Phúc có đồng chí Vũ Chí Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang cùng các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc. Ảnh: Trường Khanh
Năm 2021 và 8 tháng năm 2022 cả nước đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 1.800/17.700 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đã thống kê, rà soát (đạt tỉ lệ 10%) tại 143 văn bản quy phạm pháp luật.
Về việc đổi mới thực hiện TTHC phục vụ người dân, doanh nghiệp, đến nay, cả nước đã thành lập 11.700 bộ phận một cửa các cấp để tiếp nhận, giải quyết TTHC.
Trong đó, có 56/63 tỉnh, thành phố thành lập trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh; 53/63 địa phương đã thực hiện hợp nhất cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh thành hệ thống thông tin giải quyết TTHC duy nhất.
Nhiều địa phương đã thực hiện nâng cấp hệ thống đáp ứng yêu cầu số hóa và đã có những kết quả bước đầu. Cổng Dịch vụ công quốc gia đã kết nối, tích hợp với các hệ thống thông tin giải quyết TTHC của các bộ, ngành, địa phương.
Về hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành, 90% cơ quan đã xử lý công việc trên môi trường điện tử, 70% lãnh đạo các cấp đã sử dụng chữ ký số cá nhân.
Đến nay, đã có hơn 14,2 triệu văn bản điện tử gửi, nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước trên Trục liên thông văn bản quốc gia, trung bình khoảng 550.000 văn bản/tháng, trong đó, 98% đơn vị đã thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp hành chính…
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã thảo luận chỉ ra những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong công tác cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành.
Đồng thời, đề ra các giải pháp thực hiện có hiệu quả việc cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo nghị quyết của Chính phủ; đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết TTHC và thúc đẩy quản lý, điều hành, giám sát dựa trên dữ liệu TTHC, phục vụ hiệu quả người dân, doanh nghiệp.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và biểu dương kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương thời gian qua trong công tác cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả, tạo đột phá trong cải cách TTHC, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật để tạo hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh.
Thực hiện có hiệu quả việc cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ; xem xét, phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa trước ngày 30/9 hằng năm.
Cập nhật đầy đủ, chính xác và công khai kịp thời các quy định, phương án cắt giảm, đơn giản hóa và thực hiện tham vấn, lấy ý kiến hiệp hội, doanh nghiệp, người dân trên Cổng Tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh; định kỳ đánh giá, công khai chỉ số nỗ lực cải cách quy định kinh doanh của các bộ, cơ quan.
Triển khai có hiệu quả Đề án Đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC và đánh giá, công khai chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC. Thực hiện quyết liệt, hiệu quả Đề án số 06 để đạt được các mục tiêu phát triển KT-XH, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Cùng với đó, tiếp tục hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, tập trung ưu tiên xây dựng, phát triển các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương, tiến tới xây dựng Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số…
Kim Hiền (Nguồn: baovinhphuc.com.vn)