Kỳ 2: Thành lập tổ chức Đảng trong doanh nghiệp FDI: Vì sao khó?
Qua nhiều cuộc khảo sát và theo đánh giá, khẳng định của lãnh đạo các doanh nghiệp đã thành lập tổ chức cơ sở Đảng, những đóng góp của chi bộ, Đảng bộ cho sự phát triển doanh nghiệp là điều không thể phủ nhận. Thế nhưng, dù các cơ quan, tổ chức, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực vận động, tuyên truyền, nhưng hàng chục năm qua, việc phát triển tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp FDI vẫn luôn là “bài toán” khó.
Công nhân lao động tại Công ty TNHH Công nghiệp Diamond (KCN Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên) luôn nỗ lực, cố gắng không ngừng vì sự phát triển của công ty. Ảnh: Dương Hà
Doanh nghiệp và công nhân chưa mặn mà
Tính đến năm 2021, trên địa bàn tỉnh có hơn 360 doanh nghiệp FDI đang hoạt động SXKD. Trong đó, chỉ có 2 doanh nghiệp thành lập tổ chức cơ sở Đảng là Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Việt Nam 1 và Công ty cổ phần prime Group (thành lập từ năm 2012 trở về trước). Có nghĩa là, trong 10 năm qua, công tác phát triển tổ chức Đảng trong doanh nghiệp FDI vẫn "dậm chân tại chỗ".
Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trên là do chủ doanh nghiệp FDI là người nước ngoài, họ chưa tìm hiểu sâu về vị trí, vai trò, nhiệm vụ, phương thức hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên và các đoàn thể trong doanh nghiệp, trừ tổ chức công đoàn được thành lập và hoạt động theo Luật Công đoàn.
Khi được đề cập đến việc thành lập các tổ chức cơ sở Đảng, đa phần chủ doanh nghiệp FDI đều có chung câu hỏi như: Đó là tổ chức gì, hoạt động như thế nào, có đem lại lợi ích gì không và tại sao phải thành lập? Khi đó, cán bộ công đoàn, phiên dịch viên rất khó để có thể giải đáp, thuyết phục họ.
Một số chủ doanh nghiệp FDI khác thường xuyên vắng mặt tại Việt Nam. Họ ủy quyền quản lý, điều hành cho cấp phó hoặc giám đốc chuyên môn. Vì vậy, để tiến hành được công tác khảo sát, tuyên truyền đối với công nhân lao động không phải chuyện đơn giản.
Mới đây, khi thực hiện khảo sát tại Công ty TNHH Jahwa Vina, KCN Khai Quang, tổ khảo sát không thể gặp được lãnh đạo doanh nghiệp để trao đổi trực tiếp, dẫn đến tiến độ bị chậm do thiếu sự chỉ đạo từ Ban giám đốc. Đến thời gian thu phiếu khảo sát, đoàn khảo sát lại không thể vào được doanh nghiệp…
Đối với chủ doanh nghiệp là người nước ngoài đã khó, đối với cán bộ, công nhân lao động là người Việt Nam cũng có nhiều lý do để họ không muốn hoặc chưa muốn thành lập tổ chức cơ sở Đảng tại công ty đang làm việc.
Ở Công ty TNHH Piaggio Việt Nam, KCN Bình Xuyên, Giám đốc công ty là người Ý. Khi đoàn công tác của tỉnh đặt vấn đề làm việc, vị giám đốc này không trực tiếp trao đổi mà ủy quyền cho Giám đốc nhân sự là người Việt Nam.
Tuy nhiên, mặc dù là đảng viên nhưng giám đốc nhân sự này thể hiện rõ quan điểm chưa ủng hộ việc thành lập tổ chức cơ sở Đảng. Vì vậy, mặc dù công ty có đủ đảng viên để thành lập tổ chức cơ sở Đảng nhưng cũng không thể thực hiện.
Có một thực tế khác cũng rất đáng phải suy ngẫm, đó là thông qua cuộc khảo sát tại 22 doanh nghiệp FDI điển hình trên địa bàn tỉnh trong năm 2022 cho thấy, tỷ lệ người lao động đồng ý thành lập tổ chức cơ sở Đảng chỉ chiếm 11,9%; tỷ lệ cần nghiên cứu, xem xét chiếm 3,8% và tỷ lệ cho rằng không cần thiết chiếm 1,5%.
Như vậy, không chỉ về phía người nước ngoài mà ngay cả đối với công nhân Việt Nam, trong đó, cả những người đã là đảng viên nhưng lại chưa thực sự mặn mà với việc thành lập tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp. Chính điều này tạo nên rào cản, khiến công tác phát triển tổ chức Đảng luôn gặp nhiều trở ngại và khó khăn.
Chị Lê Thanh Hà, công nhân Công TNHH Vina Korea chia sẻ: “Tôi làm công nhân, điều quan trọng nhất là làm sao có được nhiều đơn hàng để nâng cao thu nhập, trang trải sinh hoạt cho gia đình. Việc thành lập tổ chức cơ sở Đảng tại công ty ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến thời gian làm việc, ảnh hưởng thu nhập nên tôi thấy không cần thiết”.
Còn đối với anh Nguyễn Đăng Hùng, công nhân Công ty TNHH Partron Vina cho rằng: “Việc thành lập tổ chức Đảng trong doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của công nhân. Lý do bởi mức đóng đảng phí ở công ty sẽ cao hơn nhiều so với ở nơi cư trú. Do đó, việc thành lập tổ chức cơ sở Đảng tại công ty là điều chưa cần thiết, cần phải cân nhắc kỹ”...
Thẳng thắn nhìn nhận hạn chế
Ngày 28/2/2022, thay mặt Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Hoàng Anh đã ký quyết định ban hành Chỉ thị số 20 của Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo phát triển tổ chức Đảng và đảng viên trong doanh nghiệp.
Tại Chỉ thị này, BTV Tỉnh ủy đã chỉ rõ, công tác thành lập tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp FDI, ngoài những nguyên nhân chủ yếu từ phía chủ doanh nghiệp và người lao động chưa mặn mà thì sự vào cuộc, quyết tâm của hệ thống chính trị ở một số địa phương thực sự chưa cao.
Một số cấp ủy, tổ chức Đảng chưa quán triệt đầy đủ, sâu sắc quan điểm, chủ trương của Trung ương, của tỉnh về công tác xây dựng, phát triển tổ chức cơ sở Đảng trong loại hình doanh nghiệp ngoài Nhà nước.
Công tác phối hợp giữa cấp ủy, cơ quan, đơn vị liên quan chưa chặt chẽ, thường xuyên. Đặc biệt, hoạt động của Ban Chỉ đạo xây dựng Đảng và tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp tỉnh có việc, có thời điểm còn chưa sâu sát, quyết liệt.
Về vấn đề này, Phó trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng tổ chức Đảng và tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp tỉnh Nguyễn Văn Hùng cho biết: Từ khi thành lập Ban chỉ đạo (năm 2011) cho đến nay, ban đã thành lập các tổ khảo sát ở gần 100 doanh nghiệp trong các KCN Bình Xuyên, Khai Quang; phát hành gần 5.000 phiếu khảo sát dùng cho quản lý doanh nghiệp và người lao động.
Đối với người nước ngoài, phiếu khảo sát được dịch ra tiếng Anh để nắm bắt đúng, đủ tâm tư, nguyện vọng của chủ doanh nghiệp, đảng viên, người lao động về việc xây dựng, củng cố tổ chức Đảng và phát triển đảng viên trong doanh nghiệp.
Đồng thời, Ban chỉ đạo cũng biên soạn, phát hành trên 12.000 tờ gấp; trên 5.000 cuốn sổ tay tuyên truyền xây dựng tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp đến cấp ủy, chính quyền các cấp, công nhân, người lao động trong doanh nghiệp… Tuy nhiên, công tác này luôn gặp nhiều khó khăn xuất phát từ nguyên nhân khách quan.
Căn bản nhất là vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của chủ doanh nghiệp. Đội ngũ cán bộ công đoàn, giám đốc nhân sự trong các doanh nghiệp mặc dù là người Việt Nam nhưng cũng không mặn mà với công tác này, dẫn đến không nhiệt tình tuyên truyền, giải thích để chủ doanh nghiệp ủng hộ.
Trong năm 2022, với sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của Tỉnh ủy; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan thành viên Ban chỉ đạo, đặc biệt là các sở, ngành liên quan, cơ quan trực tiếp quản lý, theo dõi hoạt động các doanh nghiệp FDI cũng như hội doanh nghiệp các nước, Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài, công tác thành lập tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp FDI đạt được kết quả tích cực, không phụ sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị.
Chắc chắn, đây sẽ là cơ sở vững chắc để tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục đạt được thành tích cao hơn; trở thành địa phương tiêu biểu, điển hình của cả nước về việc giải “bài toán” khó trong thành lập tổ chức cơ sở Đảng ở doanh nghiệp FDI.
Lê Minh (Nguồn: baovinhphuc.com.vn)