Nhờ khai thác tốt tiềm năng lợi thế, thu hút được các dự án lớn và ưu tiên nhiều nguồn lực đầu tư, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 01 ngày 4/11/2011 về phát triển dịch vụ, du lịch tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2011-2020 của BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, ngành Du lịch của tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc. Trong đó, nổi bật là hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch từng bước được đầu tư đồng bộ, hiện đại, tạo nên sức hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Với hệ thống nhà hàng, khách sạn có cơ sở hạ tầng ngày càng hiện đại, Khu du lịch Tam Đảo trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Nguyễn Lượng
Từ năm 2011, ngành Du lịch của tỉnh đã có bước phát triển với việc triển khai và đưa vào khai thác một số dự án lớn về du lịch; số lượng khách du lịch đến tỉnh tăng bình quân 14%/năm. Song, nhìn chung, việc phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, chưa tạo được mối liên kết với các tỉnh, vùng, khu vực, quốc tế.
Triển khai Nghị quyết số 01, các cấp, các ngành đã tích cực rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch du lịch, quy hoạch giao thông,... nhằm tạo sự thống nhất, phát triển đồng bộ các ngành du lịch, dịch vụ.
Nhiều tuyến đường giao thông quan trọng đã và đang được cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới, phục vụ đắc lực cho các khu du lịch như Đường từ ĐT.302 đến đền Thõng, Khu Danh thắng Tây Thiên qua Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên; Đường nối Hợp Châu - Đồng Tĩnh đến Khu Danh thắng Tây Thiên; Đường nối từ Tây Thiên đến khu du lịch Bến Tắm; Đường Tây Thiên - Tam Sơn, đoạn Tây Thiên đến QL.2C...
Hạ tầng điện chiếu sáng, cấp thoát nước... ở các khu, điểm du lịch từng bước được nâng cấp, cải tạo, tạo điều kiện thu hút nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ; trong đó, có một số dự án tiêu biểu như Dự án Flamingo Đại Lải, đạt tiêu chuẩn 5 sao với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4.630 tỷ đồng, giai đoạn 1 đã đi vào hoạt động, giai đoạn 2 dự kiến hoàn thành trong năm 2023; Dự án Tam Đảo II của Tập đoàn Sun Group; Dự án FLC Luxury Resort Vĩnh Phúc (giai đoạn 1 đã đi vào hoạt động, tổng mức đầu tư đã thực hiện khoảng 600 tỷ đồng); Dự án cáp treo Tây Thiên của Công ty cổ phần Đầu tư Lạc Hồng vốn đầu tư là 245 tỷ đồng (đã đi vào hoạt động) và một chuỗi dự án của Công ty cổ phần Đầu tư Lạc Hồng vào Khu du lịch Tam Đảo I.
Giai đoạn 2011-2019, tổng mức đầu tư của toàn xã hội vào lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh đạt hơn 6.000 tỷ đồng; trong đó, nguồn ngân sách nhà nước là hơn 2.100 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa là 3.900 tỷ đồng.
Ngân sách nhà nước dành cho các dự án gián tiếp phục vụ du lịch là 7 dự án với tổng mức đầu tư 2.077 tỷ đồng, vốn đã cấp 1.808 tỷ đồng và đến nay, các dự án này cơ bản đã hoàn thành; trong đó, có nhiều công trình văn hóa kết hợp phục vụ du lịch được đầu tư hoàn thiện như Khu di tích lịch sử và danh thắng Tây Thiên 289 tỷ đồng, dự án Văn Miếu Vĩnh Phúc hơn 200 tỷ đồng, Nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc hơn 480 tỷ đồng, Khu công viên Quảng trường Hồ Chí Minh của tỉnh hơn 200 tỷ đồng, dự án xây dựng Công viên vườn hoa Tam Đảo - lát vỉa hè thị trấn Tam Đảo 92 tỷ đồng...; tạo nên chuỗi cơ sở hạ tầng hiện đại với nhiều sản phẩm du lịch có giá trị, đóng góp vào tăng trưởng, thu ngân sách của tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số khu du lịch có tầm cỡ như Tam Đảo 1, Flamingo Đại Lải Resort, Khu di tích danh thắng - lễ hội Tây Thiên, FLC Vĩnh Thịnh - An Tường, Sông Hồng Resort, Paradise Đại Lải Resort...
Hình thành các quần thể du lịch dịch vụ nghỉ dưỡng, hội thảo... tại Khu du lịch sinh thái Sông Hồng Thủ đô, khách sạn Vĩnh Yên, khách sạn Dic-Star, khách sạn Royal Huy... cùng hệ thống nhà hàng, khách sạn được đầu tư, nâng cấp, đầy đủ tiện nghi không chỉ từng bước đáp ứng nhu cầu từ bình dân đến cao cấp của người dân và du khách, tạo ấn tượng tốt đẹp về chất lượng du lịch của tỉnh mà còn tạo lên quần thể du lịch Vĩnh Phúc đồng bộ và hiện đại trong khu vực, có cơ sở vật chất kỹ thuật tương xứng với các vùng du lịch trọng điểm của cả nước.
Tỉnh đã bước đầu khẳng định được thế mạnh về du lịch nghỉ dưỡng, hội thảo hội nghị, du lịch kết hợp với chơi golf và du lịch văn hóa tâm linh, phát huy tốt các lợi thế về địa lý, tài nguyên du lịch, hệ thống di tích lịch sử và các giá trị văn hóa phi vật thể.
Trong hơn 2 năm qua, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngành Du lịch của tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề với số lượng khách du lịch sụt giảm nghiêm trọng; nhiều cơ sở lưu trú phải tạm đóng cửa trong thời gian dài.
Thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, nhiều cơ sở lưu trú, nhà đầu tư đã tận dụng tốt thời gian này để cải tạo, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo diện mạo mới mẻ, khang trang, phục hồi kinh doanh sau dịch.
Nhằm từng bước đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh trọng điểm về du lịch của cả nước, hiện nay, tỉnh đang vận động để thu hút các nhà đầu tư lớn để đầu tư vào các Khu đô thị kết hợp với du lịch, khu du lịch sinh thái, vui chơi giải trí với quy mô lớn như: Dự án Khu văn hóa đa năng Vĩnh Thịnh - An Tường với kinh phí khoảng 5.000 tỷ đồng; Dự án Khu sinh thái Nam Tam Đảo với quy mô đầu tư gần 2.000 tỷ đồng và khoảng 10 dự án khu đô thị tại các khu vực hồ đầm, một số sân golf trên địa bàn huyện Bình Xuyên, Tam Đảo và thành phố Phúc Yên...
Đồng thời, tập trung nguồn lực ưu tiên và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu du lịch trọng điểm như Khu Du lịch Tam Đảo I và Tam Đảo II; Khu du lịch Đại Lải; Khu vực Đầm Vạc - Vĩnh Yên; các khu đô thị dịch vụ Đầm Sáu Vó, Bắc Ngọc Thanh...
Nguyễn Hường (Nguồn: baovinhphuc.com.vn)