Ngày 30/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 111/2022/NĐ-CP về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.
Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 22/2/2023, gồm 4 chương, 15 điều, trong đó bổ sung nhiều quy định mới, đặc biệt về đối tượng áp dụng, ngoài các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp (ĐVSN) công lập của Nhà nước thì các cơ quan, đơn vị của Đảng, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội ở các cấp cũng thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ (sau đây viết tắt là Nghị định 111)
Nghị định nêu rõ 3 loại công việc thực hiện hợp đồng: Một là, các công việc hỗ trợ, phục vụ trong các cơ quan hành chính và ĐVSN công lập thực hiện quản lý và áp dụng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật lao động, pháp luật dân sự và quy định của pháp luật khác có liên quan; Hai là, các công việc hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan hành chính thực hiện quản lý và áp dụng chế độ, chính sách như công chức; Ba là các công việc chuyên môn, nghiệp vụ thuộc danh mục vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, chuyên môn dùng chung trong các ĐVSN công lập.
Thực hiện Nghị định 111, ngày 13/3/2023, Bộ Nội vụ ban hành Công văn số 1076/BNV-CCVC hướng dẫn một số nội dung trong việc thực hiện hợp đồng lao động, cụ thể như sau:
- Về việc ký kết hợp đồng dịch vụ làm công việc hỗ trợ, phục vụ: Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 111/2022/NĐ-CP thì cơ quan, tổ chức, đơn vị được ký kết hợp đồng dịch vụ thực hiện công việc hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Trường hợp không có đơn vị cung cấp dịch vụ đáp ứng được yêu cầu (không có hoặc không bảo đảm theo yêu cầu hoặc không thỏa thuận được nội dung) thì ký kết hợp đồng lao động với cá nhân. Đồng thời, khoản 1 Điều 13 Nghị định số 111/2022/NĐ-CP quy định đơn vị cung cấp dịch vụ phải ưu tiên ký kết hợp đồng đối với người đang ký hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP và Nghị định số 161/2018/NĐ-CP theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
- Về việc quyết định số lượng hợp đồng lao động làm công việc hỗ trợ, phục vụ tại cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 111/2022/NĐ-CP. Đối với hợp đồng lao động làm chuyên môn, nghiệp vụ tại đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 111/2022/NĐ-CP, theo đó đơn vị tự chủ nhóm 1 và đơn vị tự chủ nhóm 2 ký hợp đồng lao động làm chuyên môn, nghiệp vụ theo nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực mà không phải trình cấp có thẩm quyền quyết định về số lượng; đơn vị tự chủ nhóm 3 và đơn vị tự chủ nhóm 4 thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 9 Nghị định số 111/2022/NĐ-CP.
- Về định mức số lượng người làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập, đề nghị căn cứ theo định mức do Bộ quản lý chuyên ngành quy định để thực hiện. Trường hợp Bộ quản lý chuyên ngành chưa quy định cụ thể thì thực hiện theo Đề án vị trí việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Về hợp đồng lao động trong lĩnh vực giáo dục, y tế thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 9 Nghị định số 111/2022/NĐ-CP. Trường hợp đã thực hiện tuyển dụng nhưng vẫn không tuyển đủ thì được ký kết hợp đồng lao động để thực hiện công việc chuyên môn nghiệp vụ đối với số còn thiếu so với số được giao theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định số 111/2022/NĐ-CP.
- Về việc xếp lương và chế độ phụ cấp công vụ đối với hợp đồng lao động làm công việc hỗ trợ, phục vụ, đề nghị căn cứ vào khả năng ngân sách của cơ quan, tổ chức, đơn vị để thỏa thuận với người lao động về việc áp dụng một trong hai hình thức theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 8 Nghị định số 111/2022/NĐ-CP. Trường hợp thỏa thuận áp dụng theo bảng lương công chức, viên chức thì thực hiện việc xếp lương theo nguyên tắc quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành; việc hưởng chế độ phụ cấp công vụ thực hiện theo quy định tại Nghị định số 34/2012/NĐ-CP./.
Trần Thu Hà, Ban Tổ chức Tỉnh ủy