Năm 2024 dần khép lại, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Lập Thạch hân hoan, phấn khởi chào đón một mùa xuân mới với những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Những kết quả đạt được trong năm qua sẽ là tiền đề và động lực vững chắc để huyện Lập Thạch vững tin bước vào năm mới Ất Tỵ 2025.
Một góc Thị trấn Lập Thạch hôm nay
Nhìn lại năm 2024, là năm có nhiều dấu mốc quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Lập Thạch, bên cạnh những thuận lợi, trong bối cảnh chung của cả nước, Lập Thạch cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Song với tinh thần chủ động, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt của Huyện ủy, HĐND và UBND huyện, sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân nên kinh tế - xã hội của huyện đạt được nhiều kết quả quan trọng. 21/24 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện năm 2024 (theo giá so sánh) đạt 13,49% (mục tiêu tăng 7,0%), tăng 6,49% so với năm 2023. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng hướng, tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 57,18% (tăng 1,46% SCK); tỷ trọng khu vực dịch vụ ổn định, chiếm 28,64% (tăng 0,01% SCK) và khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 14,18% (giảm 1,46% SCK). Tổng giá trị sản xuất của huyện theo giá hiện hành ước đạt trên 18.420 tỷ đồng (tăng 11,48%, tăng 2.386,2 tỷ đồng SCK), đưa giá trị sản xuất bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 128,9 triệu đồng/người/năm (tăng 13,9 triệu đồng/người/năm so kế hoạch đề ra, tăng 17,4 triệu đồng/người/năm so với năm 2023); thu nhập bình quân đầu người đạt 65,25 triệu đồng/người/năm, vượt 0,25 triệu đồng so kế hoạch, tăng 4,25 triệu đồng so với năm 2023). Bên cạnh đó, cả hệ thống chính trị tập trung phòng chống cơn bão số 3 và đợt mưa lớn gây ngập úng trên diện rộng, hạn chế thấp nhất hậu quả, giảm đáng kể thiệt hại về cơ sở vật chất và người.
Kinh tế nông nghiệp, nông thôn tiếp tục chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, trình độ, hiệu quả cao hơn; đã hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ gắn truy xuất nguồn gốc chất lượng nông sản. Giá trị sản xuất ngành nông, lâm thủy sản theo giá so sánh 2010 ước đạt 1.606,5 tỷ đồng, tăng 1,9 tỷ đồng, tăng 0,12% SCK, trong đó ngành nông nghiệp đạt 1.525,9 tỷ đồng, tăng 18,1 tỷ đồng, tăng 1,2% SCK.
Đến năm 2024, trên địa bàn huyện 18/18 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025, không còn xã đạt dưới 17/19 tiêu chí; có 03 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao là Thái Hòa, Triệu Đề, Xuân Lôi; 04 xã đang triển khai thực hiện xây dựng xã nông thôn mới nâng cao: Sơn Đông, Văn Quán, Xuân Hòa, Bắc Bình; xã Thái Hòa thực hiện xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu và xây dựng 01 mô hình thôn thông minh trên địa bàn xã. Chỉ đạo 02 thị trấn triển khai thực hiện các tiêu chí để đạt tiêu chuẩn đô thị văn minh theo Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, năm 2024, huyện Lập Thạch có thêm 4 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP gồm: bánh đa xã Triệu Đề, mật ong thiên nhiên xã Quang Sơn, mật ong thiên nhiên xã Thái Hòa, gạo thảo dược xã Đồng Ích. Hiện nay, toàn huyện có 15 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm OCOP.
Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục hoạt động ổn định. Các công ty, nhà máy trên địa bàn thu hút gần 10.000 lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 6-8 triệu đồng/người/tháng. Ngành dịch vụ sản xuất nông nghiệp, dịch vụ giáo dục, đào tạo, y tế, dịch vụ vận tải, các hệ thống chợ nông thôn, siêu thị mini có nhiều chuyển biến tích cực, phù hợp xu thế phát triển, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của Nhân dân. Tổng giá trị sản xuất ngành Công nghiệp - Xây dựng theo giá so sánh đạt 7.064,7 tỷ đồng, tăng 1.104,2 tỷ đồng, tăng 18,53% so cùng kỳ, trong đó: công nghiệp đạt 4.963,9 tỷ đồng, tăng 947,7 tỷ đồng, tăng 23,59% SCK; ngành dịch vụ đạt 3.168,5 tỷ đồng, tăng 301,3 tỷ đồng, tăng 10,51% so với năm 2023.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm và đạt nhiều kết quả. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin, tuyên truyền diễn ra sôi nổi, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho Nhân dân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả; năm 2024 có 94,7% gia đình đạt gia đình văn hóa, tăng 2,5% so với năm 2023; thôn, TDP văn hóa đạt 97,3%. Chất lượng giáo dục các cấp học được giữ vững. Kết quả, học sinh được công nhận tốt nghiệp THCS đạt tỷ lệ 99,22%; thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT đứng thứ 4 toàn tỉnh; số học sinh đỗ vào các trường THPT chuyên là 47 học sinh; học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,9%; tỷ lệ trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình Mầm non đạt 100%. Học sinh tham gia thi học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh đạt 79 giải (tăng 14 giải so với năm học trước). Tiếp tục triển khai thực hiện xây dựng và duy trì trường chuẩn quốc gia, đến nay toàn huyện có 51/63 trường được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới, đạt tỷ lệ 81%, vượt mục tiêu chung của tỉnh đến hết năm 2025 tỷ lệ chuẩn Quốc gia ở mỗi bậc học là 70%.
Công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho Nhân dân và phòng chống dịch bệnh được thực hiện tốt. Tổng số lượt bệnh nhân được khám 38.718 người, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, nâng lên. Công tác hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, giảm nghèo và đào tạo nghề, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới được quan tâm thực hiện. Tỷ lệ hộ nghèo 0,86%, giảm 0,55% so với năm 2023; hộ cận nghèo là 1,43%, giảm 0,48% so với năm 2023.
Công tác tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ được tiến hành khẩn trương với sự quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, bảo đảm “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”; tập trung sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thành lập xã Tây Sơn. Chú trọng công tác cải cách hành chính, tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, góp phần tiết giảm chi phí. Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số được triển khai mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả tích cực.
Song song với công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, công tác quốc phòng - an ninh được giữ vững. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyển quân năm 2024, đã bàn giao 278 công dân cho các đơn vị Quân đội, Công an, đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch giao. Chỉ đạo tổ chức diễn tập chiến đấu xã trong khu vực phòng thủ năm 2024 đảm bảo an toàn, đúng quy định. Tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo điều kiện quan trọng để huyện thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được đẩy mạnh; công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm được triển khai đồng bộ. Tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh chính trị - nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh xã hội, an ninh văn hóa - tư tưởng, tôn giáo. Công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được quan tâm thực hiện.
Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm giữ vai trò then chốt, quyết định đối với việc hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 trên địa bàn. Vững niềm tin vào tương lai tươi sáng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Lập Thạch sẽ phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, đổi mới trong tư duy, sáng tạo trong cách làm, quyết tâm thực hiện thắng lợi toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025 và nhiệm kỳ 2020 - 2025, góp phần xây dựng huyện Lập Thạch ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Thanh Ngân, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Lập Thạch