Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn xác định rõ tầm quan trọng và việc thực hiện nghiêm túc cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là phẩm chất đạo đức quan trọng hàng đầu của người cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng phân tích rất sâu sắc về vấn đề cần, kiệm, liêm, chính: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông/Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc/Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính/Thiếu một mùa thì không thành trời/Thiếu một phương thì không thành đất/Thiếu một đức thì không thành người”. Người cũng chỉ rõ: Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành, vì vậy cần phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nếu không giữ đúng được cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư thì rất dễ trở thành hủ bại, thành sâu mọt của Nhân dân.
Trong “Di chúc” để lại cho dân tộc ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”. Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng ta đều thực hiện nghiêm túc tư tưởng, lời dạy và tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng đã đề ra nhiều giải pháp tích cực, cụ thể để từng cán bộ, đảng viên rèn luyện phấn đấu, điển hình là Quy định số 144-QÐ/TW, ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới, trong đó thể hiện “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, với những nội dung cơ bản, như: “Tâm huyết, trách nhiệm, dấn thân, nỗ lực hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, có ý chí, quyết tâm thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc”.
Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 16/01/2025 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư đã khẳng định. Thời gian qua, công tác giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên được Đảng, Nhà nước và các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt được kết quả quan trọng. Các chuẩn mực đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư từng bước được cụ thể hóa thành quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, văn hóa công sở để thực hiện. Nội dung thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được lồng ghép vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị ở các trường chính trị, trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từ Trung ương đến địa phương, được tích hợp vào một số môn học ở các cơ sở giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân. Các cơ quan báo chí, truyền thông, văn hóa, văn học nghệ thuật đã có nhiều hoạt động, tuyên truyền, sáng tác, biểu diễn, công bố, giới thiệu các tác phẩm có nội dung về giáo dục đạo đức cách mạng, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Nhờ đó, đạo đức cách mạng nói chung, các phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư nói riêng của cán bộ, đảng viên được nâng lên, góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, công tác giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư vẫn còn bộc lộ những hạn chế, khuyết điểm. Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 16/01/2025 của Bộ Chính trị (khóa XIII) đã nêu rõ: Nhận thức về vai trò, tầm quan trọng, tính cấp thiết của công tác này ở không ít cấp ủy, tổ chức đảng cán bộ, đảng viên chưa đầy đủ và đúng mức. Đồng thời, Chỉ thị cũng xác định phải tăng cường tuyên truyền sâu rộng làm cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là phẩm chất đạo đức quan trọng hàng đầu của người cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và tính cấp thiết của việc giáo dục và thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong nội bộ Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Để thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ trên đòi hỏi phải có sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, hệ thống chính trị cũng như toàn xã hội với sự vào cuộc, gắng sức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cùng các tầng lớp nhân dân, trong đó phát huy cao nhất vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Công tác tuyên truyền giáo dục phải không ngừng được đổi mới cả về nội dung và hình thức, kết hợp chặt chẽ học với hành, lý thuyết với thực tiễn, nhằm tạo ra những chuyển biến tích cực, toàn diện về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong nhận thức cũng như hành động thực tế.
Thực tiễn hiện nay đã và đang đặt ra yêu cầu nội dung giáo dục cũng như thể hiện của việc cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư phải gắn chặt với thực tế, đáp ứng nhiệm vụ thực tế. Cụ thể như cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư của cán bộ, đảng viên phải thiết thực góp phần sửa chữa, khắc phục tình trạng: “Một bộ phận đảng viên năng lực trình độ, trách nhiệm chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; phai nhạt lý tưởng cách mạng, thiếu bản lĩnh chính trị, đấu tranh tự phê bình và phê bình yếu; tinh thần trách nhiệm, ý chí phấn đấu giảm sút; chưa gương mẫu, sống thực dụng; suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm nguyên tắc, kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật. Hay phải gắn với cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, như Đảng ta yêu cầu, hơn lúc nào hết, cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tiên phong, gương mẫu thực hiện nhiệm vụ cách mạng trên tinh thần đặt lợi ích chung của Đảng, cách mạng, dân tộc và Nhân dân lên trên hết, mạnh dạn đổi mới, sáng tạo, đột phá để đất nước phát triển. Tích cực, chủ động xây dựng, rèn luyện tốt nhất phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, thiết thực đóng góp vào nhiệm vụ xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh để tiếp tục dẫn dắt dân tộc trên con đường phát triển trong kỷ nguyên mới, hiện thực hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Nguyễn Hữu Bình