Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng, việc xây dựng đội ngũ nhân sự nói chung và đội ngũ cán bộ, công chức nói riêng đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế là một đòi hỏi cấp thiết và hệ trọng. Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Bộ Chính trị về nhiệm vụ: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xác định thực hiện đột phá trong công tác cán bộ với nhiệm vụ:“Tập trung bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ về bản lĩnh chính trị, kiến thức chuyên môn và năng lực thực tiễn, đặc biệt quan tâm tới việc đào tạo, bồi dưỡng, thử thách trong môi trường thực tiễn”.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan trao giấy chứng nhận hoàn thành khóa học cho các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ảnh: Trà Hương
Với chủ trương trên, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã tạo dấu ấn đậm nét, là bản lề cho những bước ngoặt đổi mới trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung, công tác đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế nói riêng của tỉnh Vĩnh Phúc.
Từ khi tái lập tỉnh đến nay, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh từng bước được nâng cao về số lượng và chất lượng, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cơ bản đạt chuẩn và trên chuẩn theo quy định. Tỉnh đã chú trọng, quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, minh chứng là cùng với việc triển khai các văn bản của Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản về công tác cán bộ như: (1) Nghị quyết số 06 năm 2008 về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; (2) Nghị quyết số 10 năm 2019 về xây dựng đội ngũ trí thức và trọng dụng nhân tài tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2020-2025; (3) Nghị quyết số 08 năm 2021 về tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp giai đoạn 2021-2025. Hàng năm, Tỉnh ủy đều ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí gần 28 tỷ đồng/năm cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Nhờ vậy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Vĩnh Phúc đã có những chuyển biến tích cực về chất lượng. Điển hình là:
100% cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đạt chuẩn về trình độ đào tạo theo quy định, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh đảm bảo về số lượng cơ cấu hợp lý, đủ trình độ và năng lực thi hành công vụ theo vị trí việc làm. Toàn tỉnh có 94 tiến sĩ và tương đương, 2.205 thạc sĩ và tương đương, 15.999 đại học. Đạt tỷ lệ 13,9 bác sĩ/vạn dân (cao hơn chỉ tiêu Nghị quyết số 06-NQ/TU đề ra, đến năm 2021 là 11 bác sĩ/vạn dân).
Tỉnh đã từng bước mở rộng và nâng cao năng lực hợp tác, đa dạng chương trình hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức với nước ngoài; là tỉnh đầu tiên trên cả nước tổ chức được các chương trình bồi dưỡng với nước ngoài cho giáo viên tiếng Anh các cấp học nhằm chuẩn hoá giáo viên ngoại ngữ theo đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” của Chính phủ được nhiều tỉnh, thành trong cả nước đến học tập kinh nghiệm. Từ năm 2009 đến năm 2012, hơn 300 lượt cán bộ, công chức của tỉnh được cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở các nước Châu Âu và một số quốc gia khác như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines, Malaysia…
Mặc dù chất lượng đội ngũ cán bộ của tỉnh ngày càng được nâng cao, xong trước yêu cầu về xây dựng đội ngũ đề ra tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Bộ Chính trị: “có từ 25-35% cán bộ lãnh đạo, quản lý tại địa phương đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế”, đây vẫn là khó khăn mà tỉnh chưa thể đáp ứng ngay. Bởi lẽ, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Vĩnh Phúc vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định, chưa thật sự sẵn sàng thích ứng với môi trường làm việc quốc tế. Cụ thể là: Trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức, viên chức chưa đồng đều. Tỉnh chưa có đội ngũ chuyên gia đầu ngành và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giỏi cấp khu vực và quốc tế ở một số lĩnh vực quản lý mũi nhọn. Số cán bộ có khả năng sử dụng ngoại ngữ trong công việc, phục vụ công tác chuyên môn và làm việc trực tiếp với người nước ngoài chiếm tỷ lệ rất thấp. Theo rà soát đến năm 2020, chỉ có khoảng 50 cán bộ, công chức cơ quan hành chính, Đảng, đoàn thể có trình độ ngoại ngữ có thể làm việc với người nước ngoài, còn rất thấp so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 06-NQ/TU là đến năm 2015 có 500-600 cán bộ quản lý, công chức có thể giao tiếp với người nước ngoài. Trình độ tin học của cán bộ, công chức, viên chức phục vụ cơ bản công việc thường ngày, chưa đạt đến trình độ làm chủ công nghệ. Khả năng sử dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học theo chuẩn quốc tế cũng như khả năng tham gia các đề tài nghiên cứu, hội thảo, tạp chí khoa học quốc tế của đội ngũ cán bộ tỉnh còn rất khiêm tốn (qua khảo sát việc nghiên cứu khoa học theo tiêu chuẩn quốc tế mới chỉ dừng lại ở đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện nghiên cứu sinh và tỷ lệ này là tương đối thấp, hiện cả tỉnh mới chỉ có 94 Tiến sĩ).
Từ thực trạng nêu trên, nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ xây dựng đội ngũ đủ về số lượng, có cơ cấu phù hợp, đảm bảo sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đảm bảo có từ 25-35% cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, Vĩnh Phúc đã xây dựng Đề án số 06 năm 2021 về đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025. Đề án đã đưa ra một số định hướng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới đồng thời đáp ứng được nhiệm vụ đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế. Trọng tâm tập trung xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tạo chuyển biến căn bản về chất theo hướng chuyên nghiệp hóa, có trình độ chuyên môn cao, sử dụng tốt ngoại ngữ, tin học, phương pháp, kỹ năng làm việc chuyên nghiệp và có lối tư duy mở đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Phát triển đồng bộ nguồn nhân lực tập trung vào cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; đội ngũ chuyên gia, hoạch định chính sách; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thừa hành về các lĩnh vực quản lý nhà nước mà tỉnh còn thiếu.
Triển khai thực hiện Đề án đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 68-KH/TU ngày 08/2/2022 giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trường Chính trị tỉnh, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ năm 2023 và những năm tiếp theo đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, cụ thể: Mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngắn hạn, trung hạn ở nước ngoài (gồm đào tạo đại học, sau đại học, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ ở nước ngoài), theo đó: Đào tạo đại học văn bằng hai và đào tạo sau đại học được tập trung vào nhóm cán bộ từ 40 tuổi trở xuống, có khả năng sử dụng tiếng nước ngoài, đào tạo tập trung vào các lĩnh vực: Luật - Luật Quốc tế, Hoạch định chính sách, Xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội… Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ ở nước ngoài dành cho các đồng là lãnh đạo tỉnh (bao gồm các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND-UBND tỉnh); Lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; Lãnh đạo cấp huyện tiêu biểu. Nội dung bồi dưỡng tập trung vào các lĩnh vực: Quản lý hành chính công, Văn hóa - Thể thao và du lịch, Quy hoạch, xây dựng, Tài nguyên, môi trường, Công nghệ thông tin và truyền thông. Bồi dưỡng Tiếng Anh trình độ IELTS (đạt từ 6.0 trở lên) để cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường Quốc tế. Giai đoạn 2022-2025, tỉnh sẽ tổ chức dự kiến 02 lớp cho 30 đến 40 cán bộ, công chức làm công tác chuyên môn tại các đơn vị làm công tác xúc tiến đầu tư, Ban Quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài; công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện làm công tác liên quan tới quản lý, phát triển khu, cụm công nghiệp. Bồi dưỡng các nền kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, phương pháp làm việc trong môi trường hội nhập quốc tế. Theo đó năm 2022, tổ chức 08 lớp gồm: Bồi dưỡng kỹ năng quản lý khoa học công nghệ; Bồi dưỡng nghiệp vụ đối ngoại cho cán bộ, công chức làm công tác đối ngoại; Bồi dưỡng kiến thức kỹ năng tư vấn, phản biện và giám định xã hội; Bồi dưỡng kiến thức quản lý hành chính nhà nước các nước khu vực Asean; Bồi dưỡng nghiệp vụ về hội nhập kinh tế quốc tế.
Đặc biệt, để thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nêu trên, Vĩnh Phúc đã quan tâm bố trí kinh phí với chính sách đặc thù quy định tại Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND ngày 03/8/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh, cụ thể là: cán bộ, công chức được tỉnh cử đi tham gia đào tạo, bồi dưỡng sau đại học; tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ được hỗ trợ 100% học phí theo quy định hoặc theo hợp đồng do tỉnh ký kết. Trường hợp cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài còn được hỗ trợ sinh hoạt phí, chi phí một lượt đi và về từ Vĩnh Phúc đến các địa điểm đào tạo, bồi dưỡng.
Năm 2022- 2023 là năm đầu tiên triển khai các nhiệm vụ về đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh. Để tổ chức thực hiện hiệu quả, làm tiền đề bứt phá cho cả giai đoạn, tỉnh đã xác định thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị tỉnh trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, đặc biệt, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, quản lý nhất là người đứng đầu và trách nhiệm của học viên (cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng) trong việc đảm bảo chất lượng, hiệu quả đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực sau đào tạo.
Thứ hai, nâng cao chất lượng xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh gắn chặt với nhiệm vụ xây dựng đội ngũ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Theo đó, cần chú trọng rà soát rõ ngành, lĩnh vực cần ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng hiện nay, đảm bảo hài hòa giữa tri thức khoa học chuyên môn, kiến thức lãnh đạo, quản lý và kỹ năng cần thiết để giải quyết tốt các vấn đề, tình huống đặt ra trong môi trường quốc tế. Công tác chiêu sinh, cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng tại nước ngoài cần chọn, cử theo hướng thực chất, đặc biệt ưu tiên lựa chọn những cán bộ trẻ, có trình độ năng lực, có khả năng tham mưu, đề xuất những giải pháp, cơ chế, chính sách mới, tạo sự đột phá trong lãnh đạo, điều hành, quản lý tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng.
Thứ ba, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; tăng cường hợp tác đào tạo với các cơ sở đào tạo, tổ chức, chuyên gia có năng lực và uy tín. Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh cần biên soạn tài liệu phù hợp với từng đối tượng, hài hòa giữa lý thuyết và thực hành; tăng cường xây dựng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng, báo cáo viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý có kinh nghiệm được học tập, làm việc với quốc tế. Tỉnh cần nghiên cứu, lựa chọn đối tác là các các cơ sở đào tạo, tổ chức, cá nhân có năng lực, uy tín; các nước có trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, có thế mạnh riêng theo từng lĩnh vực để gửi cán bộ đến học tập, nghiên cứu. Mở rộng mạng lưới hợp tác khoa học, giáo dục để tạo cơ hội cho cán bộ của tỉnh được tham gia nghiên cứu khoa học, hội thảo, tọa đàm, học tập kinh nghiệm giúp tích lũy kiến thức, kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế.
Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của tỉnh về đào tạo, bồi dưỡng; thực hiện quản lý chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Bên cạnh các chính sách đã ban hành, tỉnh xác định cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chính sách khuyến khích, tạo động lực cho cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với vị trí việc làm, xây dựng chế độ thu hút, khuyến khích đối với những cán bộ năng động, có khả năng, kinh nghiệm làm việc trong môi trường quốc tế, cán bộ thành thạo ngoại ngữ, tin học. Thực hiện đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng với nhiều hình thức: Đánh giá trong đào tạo; đánh giá ngoài (trước và sau đào tạo); thuê cơ quan, tổ chức đánh giá độc lập.
Trần Thu Hà - Ban Tổ chức Tỉnh ủy