Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ xã Cao Phong đã viết nên những trang sử hào hùng, đánh dấu nhiều mốc son chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm và xây dựng quê hương. Phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã tiếp tục đoàn kết, xây dựng Cao Phong ngày một phát triển.
Trang sử hào hùng
Trước Cách mạng Tháng 8/1945, 2 làng Phan Dư và Phan Lãng của xã Cao Phong thuộc Trấn Sơn Tây, Tổng Sơn Bình xưa. Sau khi Cách mạng Tháng 8/1945 thành công, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước thành lập xã Văn Quán gồm 4 làng: Phan Dư, Phan Lãng, Lai Châu, Sơn Bình. Tuy nhiên do xã Văn Quán địa giới rộng, dân cư phân tán trên các đồi gò rải rác, vì vậy công tác chỉ đạo quản lý gặp nhiều khó khăn, nhất là khâu tổ chức chiến đấu bảo vệ quê hương.
Ngày 17/3/1948, xã Văn Quán đã được cấp trên cho tách 2 làng Phan Dư và Phan Lãng ra để thành lập xã Cao Phong. Sau khi thành lập, Cao Phong nhanh chóng ổn định bộ máy chính quyền và các đoàn thể quần chúng để tiến hành cuộc kháng chiến kiến quốc ở địa phương. Cùng với đó, Huyện ủy Lập Thạch đã quyết định cho Cao Phong thành lập chi bộ Đảng riêng gồm 16 đồng chí. Chi ủy gồm 3 đồng chí Nguyễn Văn Tôn, Nguyễn Văn Học và Nguyễn Văn Tiến. Đồng chí Nguyễn Văn Tôn được chỉ định làm Bí thư chi bộ.
Sự ra đời của Chi bộ xã Cao Phong là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của công tác Đảng ở địa phương. Kể từ đây, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, phong trào cách mạng của địa phương liên tiếp giành được những thắng lợi quan trọng, góp phần vào những thành công chung trong sự nghiệp cách mạng của cả huyện. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chi bộ, nhân dân Cao Phong đã đoàn kết một lòng, tập trung sức người sức của kiên cường bám đất, bám làng, trường kỳ kháng chiến cùng với nhân dân cả nước đập tan cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp. Với truyền thống yêu nước và cách mạng, Chi bộ, Đảng bộ xã Cao Phong tiếp tục lãnh đạo nhân dân trong xã tập trung khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân, cùng với nhân dân toàn huyện và cả nước ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tiếp tục đóng góp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trải qua các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, xã Cao Phong đã tiễn đưa hàng nghìn thanh niên lên đường nhập ngũ. Toàn xã có 5 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, 04 người được công nhận cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, 78 liệt sỹ và 80 thương bệnh binh. Với những đóng góp to lớn đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Cao Phong đã được Nhà nước phong tặng xã Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp vào năm 2005, được tặng thưởng 5 cờ thi đua và hàng chục bằng khen, giấy khen các loại.
Xây dựng Cao Phong vững mạnh toàn diện
Sau 75 năm thành lập với 21 kỳ Đại hội, từ những ngày đầu thành lập Chi bộ với 16 đảng viên, đến nay, Đảng bộ có 486 đảng viên với 19 chi bộ. Đảng bộ xã Cao Phong đã đề ra các chủ trương, nghị quyết để lãnh đạo phong trào cách mạng phù hợp với thực tiễn địa phương trong từng giai đoạn, đưa Cao Phong đi lên và ngày một phát triển vững chắc. Trong quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, Đảng bộ xã Cao Phong luôn xác định: Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt; xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần vững chắc, lấy đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, thoát nghèo bền vững làm mục tiêu phát triển.
Sau hơn 36 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, dưới sự lãnh, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, chính quyền huyện, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Cao Phong đã phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, đoàn kết, nhất trí, không ngừng đổi mới, lãnh đạo nhân dân trong xã vượt qua khó khăn, giành nhiều thành tựu quan trọng, tạo chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Kết quả nổi bật đó là, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 65,67 triệu đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, các tiến bộ khoa học kỹ thuật được nhân dân áp dụng rộng rãi, nhiều giống cây trồng, giống vật nuôi cho năng suất, giá trị kinh tế cao được đưa vào triển khai như: Mô hình nuôi bò vỗ béo, mô hình trồng chuối, mô hình trồng ngô sinh khối, mô hình trồng cây gai đen... cùng với việc áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trong chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng chống dịch bệnh đã góp phần nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân; tích cực triển khai chương trình cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững.
Năm 2022, Cao Phong là xã duy nhất trong huyện được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, có 10/13 thôn đạt thôn dân cư kiểu mẫu. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phát triển mạnh cả về chiều rộng lẫn chiều sâu; công tác y tế và chăm sóc sức khỏe ban đầu nhân dân có nhiều tiến bộ, xã đạt và duy trì Bộ tiêu chí quốc gia về y tế; Giáo dục - đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực, có 3/3 trường học trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia; kết quả phổ cập giáo dục ngày càng được giữ vững và nâng cao về chất lượng.
Chương trình giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội luôn được Đảng bộ xã đặc biệt quan tâm, triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, hiện trong xã không còn hộ nghèo, số hộ khá và giàu tăng nhanh; quốc phòng - an ninh được tăng cường, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được củng cố vững chắc; phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, các chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm được đẩy mạnh, góp phần giữ vững ổn định chính trị từ cơ sở, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội; công tác xây dựng Đảng được đặc biệt quan tâm và tăng cường; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ được nâng lên; công tác phát triển đảng viên được quan tâm cả về số lượng và chất lượng; trình độ của đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên rõ rệt cả về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, năng lực công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội luôn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền ngày càng được củng cố và tăng cường; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố vững chắc.
Chặng đường lịch sử cách mạng hào hùng chói lọi, sự cống hiến và xây dựng của Đảng bộ và Nhân dân Cao Phong trong suốt 75 năm qua đã chứng minh sự lãnh đạo của Ðảng bộ xã là nhân tố quan trọng hàng đầu, lãnh đạo nhân dân thực hiện thành công sự nghiệp cách mạng. Kế thừa và phát huy những thành quả đã đạt được, trong thời gian tới Đảng bộ xã Cao Phong tiếp tục đoàn kết, sáng tạo, đổi mới, phát huy những lợi thế đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng bộ thực sự trong sạch, vững mạnh, đưa Cao Phong trở thành đô thị loại V của huyện Sông Lô, đáp ứng với yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và sự mong đợi của cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương./.
Hà Minh - Trung tâm Văn hóa TTTT huyện Sông Lô