Ngày 25/1/1961, Bác Hồ về thăm thôn Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường - Đơn vị có phong trào trồng cây dẫn đầu miền Bắc.
Lạc Trung là một thôn của xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Trong kháng chiến chống Pháp, Bình Dương là một xã nổi tiếng về chiến tranh du kích, đánh địch, giữ làng. Vì thế, trong những năm bị thực dân Pháp kìm kẹp, Bình Dương là một trong những xã bị địch tàn phá nặng nề nhất. Hàng trăm ngôi nhà bị đốt, ruộng vườn bị phá, cây cối bị xe tăng, đại bác của địch quần nát. Hòa bình lập lại, nhân dân Bình Dương đã khôi phục lại cuộc sống trên đống tro tàn, đổ nát. Là nông dân, ai cũng hiểu giá trị của màu xanh cây cối trên đường làng, ngõ xóm, trong vườn tược và màu xanh của đồng ruộng.
Sau những tháng ngày khôi phục, hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, Bình Dương khắc phục dần những tổn thất do địch gây ra trong chiến tranh. Từ năm 1958- 1960, Bình Dương đã hoàn thành tập thể hóa nông nghiệp với 100% hộ nông dân vào làm ăn tập thể trong HTX nông nghiệp. Thôn Lạc Trung đã hoàn thành việc xây dựng HTX nông nghiệp bậc thấp và có phong trào trồng cây khá của xã. Từ phong trào của thôn, Lạc Trung trở thành một điển hình về trồng cây của xã, rồi của huyện, của tỉnh và cả miền Bắc.
Bác Hồ nói chuyện và hướng dẫn cán bộ, xã viên HTX Lạc Trung về trồng cây
Năm 1961, là năm thứ hai thực hiện lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch về trồng cây gây rừng, thôn Lạc Trung đã đạt kết quả rất lớn. Từ bình quân chung toàn huyện 2 cây một người năm 1960, Lạc Trung đã đạt con số 10 cây một người. Với thành tích như vậy, Lạc Trung đã nổi tiếng toàn miền Bắc. Vô cùng vinh dự và tự hào cho cán bộ, nhân dân xã Bình Dương nói chung, cán bộ và xã viên HTX Lạc Trung nói riêng, ngày 25/01/1961 được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu về thăm và động viên phong trào, cùng đi với Bác có đồng chí Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy. Trước khi nói chuyện với cán bộ, nhân dân thôn Lạc Trung, Bác đi thăm vườn ươm cây của HTX, thăm một số nhà dân, đi dưới những tán cây xanh tươi của đường làng, rồi ra cánh đồng có những hàng cây trồng trên bờ ruộng, ven kênh mương của HTX Bác rất vui mừng. Nói chuyện với cán bộ và xã viên tại sân kho HTX Lạc Trung, Bác nói: “Muốn làm nhà thì phải có gỗ, muốn có gỗ thì phải hăng hái trồng cây, trồng cây nào phải chăm sóc cho cây ấy sống và tươi tốt”, sau đó Bác hỏi: “Cả xã Bình Dương có bao nhiêu thôn trồng được cây khá như thôn Lạc Trung”. Cán bộ xã trả lời: “Thưa Bác cả xã có 4 thôn nhưng riêng chỉ có thôn Lạc Trung trồng cây được nhiều nhất ạ” Bác nhẹ nhàng phê bình: “Xã Bình Dương có 4 thôn mà chỉ có Lạc Trung là trồng cây khá, còn các thôn khác lại kém hơn, do vậy cán bộ, đồng bào 3 thôn bên cũng như các địa phương khác cần học tập kinh nghiệm của HTX Lạc Trung”. Nói chuyện với cán bộ và nhân dân xã Bình Dương, Bác khen ngợi cán bộ, xã viên HTX Lạc Trung nói riêng, nhân dân xã Bình Dương nói chung, nhưng cũng nhắc nhở, phê bình các nơi khác chưa có phong trào trồng cây được nhiều như HTX Lạc Trung. Bác nhấn mạnh trồng cây phải trở thành phong trào quần chúng rộng lớn mới có hiệu quả, một người trồng được 1.000 cây không bằng nhân dân cả xã mỗi người trồng 10 cây.
Có lẽ phong trào trồng cây ở Lạc Trung gây “ấn tượng” tốt với Bác, nên Người rất chú ý đến Lạc Trung, Người muốn từ Lạc Trung phải nhân rộng ra toàn miền Bắc. Bởi vậy, sau 3 ngày về thăm Lạc Trung, Bác viết một bài đăng báo Nhân dân số 2506, ngày 28/1/1961, bài báo có đoạn: “Thôn Lạc Trung (tỉnh Vĩnh Phúc) hồi kháng chiến bị giặc Pháp đốt sạch, không còn một gốc cây nào… Nhờ trồng cây có kế hoạch, mà từ một thôn trơ trọi, chỉ trong vài năm Lạc Trung đã trở nên xanh tươi nhất trong cả huyện Vĩnh Tường”. Đến ngày 30/12/1961, trên số 2839, Báo Nhân dân, Bác lại viết: “Lạc Trung (trong kháng chiến bị giặc Pháp đốt trụi) đã trồng được hơn 4 vạn cây. Làng xóm trở nên xanh tốt, lại đã thu được hơn 1.000 đồng, nay Lạc Trung đã hợp nhất với hai HTX Hà Phú và Hà Trì thành HTX Hồng Phong đã trồng được gần 94.000 cây, bình quân mỗi người 52 cây…”. Rất hiếm có một nơi nào mà Bác vừa đến tận nơi thăm động viên, rồi lại viết báo Đảng để tuyên truyền “kinh nghiệm”, nhân lên thành điển hình tiên tiến. Lạc Trung coi đó là một hạnh phúc to lớn.
Hơn 60 năm qua, những lời căn dặn, tình cảm sâu nặng của Bác đã trở thành kim chỉ nam, nguồn động lực mạnh mẽ để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Bình Dương vượt qua mọi khó khăn thử thách; đạt được những thành tích quan trọng, có ý nghĩa to lớn trên tất cả các lĩnh vực, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, tiếp tục thực hiện và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác. Đảng ủy, chính quyền xã Bình Dương tập trung đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, vật nuôi, đưa những giống cây, con có chất lượng cao vào trồng trọt, chăn nuôi. Khai thác lợi thế tuyến Quốc lộ 2C đi qua và tiếp giáp với thị trấn Thổ Tang, xã khuyến khích các hộ dân phát triển thương mại, dịch vụ. Hiện nay, trên địa bàn xã có 285 hộ với hơn 300 xe ô tô để phát triển dịch vụ vận tải hàng hóa, hành khách, góp phần nâng giá trị sản xuất toàn xã. Năm 2022, tổng giá trị sản xuất của xã đạt 527,2 tỷ đồng, tăng 11,15% so với năm trước. Tiểu thủ công nghiệp - xây dựng đạt 229,6 tỷ đồng, nông nghiệp - thủy sản đạt 168,3 tỷ đồng, thương mại và dịch vụ đạt 129,3 tỷ đồng. Kinh tế phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt, năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của xã ước đạt hơn 64 triệu đồng/năm.
Từ một vùng đất nghèo khó trước đây, đến nay, kinh tế, văn hóa, xã hội của xã Bình Dương có nhiều khởi sắc. Năm 2014, Bình Dương được công nhận là xã nông thôn mới, với hệ thống hạ tầng cơ sở khá đồng bộ. Giao thông nông thôn trong toàn xã đã bê tông và nhựa hóa 100%; các công trình thủy lợi phục vụ cho nông nghiệp được xây dựng chắc chắn, tiện lợi cho việc tưới tiêu; các thiết chế văn hóa và cơ sở các trường học được quan tâm đầu tư xây dựng khang trang... Hiện nay, xã Bình Dương đang phấn đấu thực hiện hoàn thành các tiêu chí để đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, trong đó thôn Hoa Phú và thôn Hoa Đà đạt chuẩn thôn dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.
Hàng năm, cứ mỗi khi dịp Tết đến, xuân về cán bộ và nhân dân xã Bình Dương lại bồi hồi, xao xuyến nhớ lại những hình ảnh thân thương, những lời dạy thiêng liêng của Người đối với nhân dân xã Bình Dương để cùng đoàn kết phấn đấu vượt mọi khó khăn xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp như lời dạy của Bác. Hiện nay tại địa phương vẫn còn lưu giữ được rất nhiều cây xà cừ xanh tươi được trồng, chăm sóc từ phong trào Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ. Tại nơi Bác về thăm và nói chuyện với cán bộ, xã viên HTX Lạc Trung hiện nay được bảo quản và giữ gìn trở thành khu lưu niệm Bác Hồ (Đã được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia) thường xuyên làm nơi tham quan và nói chuyện truyền thống cho lớp trẻ và cũng là nơi sinh hoạt cộng đồng, nơi tổ chức các chương trình văn hoá, văn nghệ, thể thao của nhân dân thôn Lạc Trung. Tiếp tục phát huy phong trào trồng cây tại xã Bình Dương, song hiện nay không phải trồng cây lấy gỗ mà chuyển thành phong trào trồng cây xanh bóng mát, chăm sóc cây cảnh để phát triển kinh tế đem lại thu nhập cho nhiều hộ gia đình, các câu lạc bộ cây cảnh, sinh vật cảnh, câu lạc bộ cây bonsai nghệ thuật đã được thành lập thu hút được nhiều người, nhiều nghệ nhân tham gia nên đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng các tuyến đường “Sáng- Xanh- Sạch- Đẹp” mà Ủy ban MTTQ huyện Vĩnh Tường phát động.
Những kỷ niệm, niềm vui Ngày được đón Bác về thăm vẫn còn mãi vẹn nguyên với nhân dân Bình Dương. Những lời căn dặn năm nào của Người, sẽ mãi là động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Dương cùng chung sức đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, để mãi tự hào là nơi được đón Bác Hồ về thăm.
Hoàng Hà