Tây Thiên được biết đến không chỉ là nơi khởi nguồn của Phật giáo từ rất sớm, mà còn là nơi phát triển tín ngưỡng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu, người có công lớn giúp vua Hùng mở mang bờ cõi, dạy dân trồng lúa nước. Nơi đây, mỗi độ Xuân về, hàng vạn người hành hương về với Mẫu với niềm tin được yêu thương và che chở.
Ngày 14/01/2020, trên cơ sở các công trình nghiên cứu và sau khi có ý kiến thống nhất của Hội đồng Di sản quốc gia, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 176 về việc công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có Tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.
Cùng với Tín ngưỡng thờ Hùng Vương, Tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên là một trong ba tín ngưỡng cổ nhất vùng Bắc Bộ. Tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên không chỉ là tín ngưỡng của một địa phương, của một vùng mà là tín ngưỡng mang tính quốc gia; đồng thời là biểu tượng văn hóa của tỉnh Vĩnh Phúc, là di sản mang giá trị về lịch sử, văn hóa, về truyền thống yêu nước các dân tộc đoàn kết chống giặc ngoại xâm.
Tượng thờ Quốc mẫu Tây Thiên
Truyền thuyết kể rằng, ở xã Đông Lộ thuộc vùng Tây Thiên, Tam Đảo (nay là thôn Đông Lộ, thị trấn Đại Đình, huyện Tam Đảo) có vợ chồng vị tù trưởng rất nổi tiếng là Lăng Phiêu và Đào Thị Liễu, tuổi đã gần 40 mà chưa sinh con. Trong một lần lên Tây Thiên cầu tự, bà họ Đào mơ thấy trong đám mây vàng có một quần tiên nữ khoảng 7 đến 8 người đang chơi vui, người thì hát, người thì múa, người thì làm thơ, cho đến mờ sáng thì bay về phương Tây.
Từ ấy bà cảm động trong người rồi có thai. 10 tháng sau, bà sinh được một người con gái sắc đẹp chim sa cá lặn, đặt tên là Tiêu, tên hiệu là Nhược Cẩm, lên 4 tuổi biết đàn hát, 6 tuổi hiểu thông văn võ, đến 12 tuổi đã nữ công, nữ tắc không gì là không tường tận, trở thành một trang nữ kiệt ở vùng Đông Lộ và một số huyện lân cận.
Khi trong nước có loạn giặc, bà tuyển mộ ở các xã lân cận và huyện xung quanh được gần 4.000 tráng đinh, đến thành Phong Châu, Việt Trì giúp nước, lại được vua Hùng giao thêm 2 vạn quân tinh nhuệ và 3.000 ngựa chiến đi đánh giặc. Khi đất nước thanh bình, không màng danh lợi bà trở về quê hương, ở đây bà đã gặp và kết duyên cùng Hùng Chiêu Vương thứ VII và được lập làm chính vương phi. Bà luôn hết lòng dạy dân trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, trồng lúa nước… giúp Nhân dân no ấm, đất nước thanh bình.
Sau khi hóa, bà thường hiển linh, âm phù giúp các đời vua đánh giặc, giữ nước nên được sắc phong làm Quốc Mẫu, gia tặng sắc phong làm Tam Đảo sơn Trụ Quốc mẫu đại vương Thượng thượng đẳng Phúc thần. Và cũng chính tại núi Tây Thiên, nơi bà hóa, Nhân dân đã dựng nên ngôi đền thờ phụng, quanh năm hương khói để tưởng nhớ công lao to lớn và suy tôn bà là Quốc Mẫu Tây Thiên. Mẫu Tây Thiên chính là người mẹ bao dung, che chở cho nhân dân những khi họ gặp khó khăn, hoạn nạn.
Nghi thức rước kiệu tại Lễ hội Tây Thiên thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia
Từ đó trở đi, cứ vào ngày Rằm tháng hai âm lịch hàng năm, đồng bào người dân tộc Sán Dìu cùng Nhân dân các dân tộc huyện Tam Đảo, du khách thập phương lại tưng bừng trong sắc cờ, náo nức cùng tiếng trống, chiêng trong lễ hội Tây Thiên dâng lên Quốc Mẫu nén hương thơm tỏ lòng thành kính. Đó cũng là truyền thống tốt đẹp và đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc.
Nghi thức Lễ trong Lễ hội Tây Thiên mang những nét độc đáo riêng gồm: Lễ cáo, lễ tạ, lễ rước và lễ dâng hương. Lễ vật không thể thiếu khi dâng Mẫu đó là: hoa quả, một mâm xôi, oản, gạo, trứng, một con lợn quay và hoa huệ trắng. Đó là những sản vật đặc trưng của núi rừng Tây Thiên, được chuẩn bị bởi bàn tay đảm đang, cần mẫn của những phụ nữ dân tộc Sán Dìu.
Lễ rước gồm 3 đoàn là kiệu Văn đền Mẫu Sinh, kiệu Văn đền Mẫu Hóa và kiệu Bát cống Đình Ngò, đoàn rước gồm trên 100 người dân địa phương rước từ Đền Mẫu Sinh đến đền Thõng dài khoảng 4.000 m. Lễ hội thu hút đông đảo du khách thập phương bởi những nét độc đáo riêng. Phần tế lễ trang trọng, đặc sắc, mang đậm bản sắc dân tộc như: Rước kiệu, múa xênh tiền, hoạt cảnh chèo mô tả truyền thuyết Quốc Mẫu Tây Thiên đánh đuổi giặc ngoại xâm thống nhất giang sơn. Với phần hội, có rất nhiều hoạt động phong phú như: Thi gói bánh chưng gù, bánh gio, bánh giầy, hội vật, kéo co, chọi gà... cùng các trò chơi dân gian mang đậm dấu ấn miền bán sơn địa.
Nét đặc biệt của lễ hội Tây Thiên còn là các điệu truyền thống bản địa như làn điệu soọng cô, hát chầu văn của nam thanh, nữ tú dân tộc Sán Dìu. Những lời ca, tiếng hát hòa cùng nhạc cụ truyền thống thể hiện sinh động đời sống tinh thần của Nhân dân, ca ngợi công lao Quốc Mẫu Tây Thiên, tình yêu đôi lứa, tình yêu Tổ quốc và không khí hăng say lao động sản xuất.
Trở về với Tây Thiên vào những ngày đầu Xuân, vào ngày giỗ Quốc mẫu Tây Thiên (15/2 âm lịch hàng năm) là trở về với di sản niềm tin đã được thiêng hóa, được truyền tụng giúp cho thế hệ hôm nay có thêm niềm tin, động lực, đoàn kết cùng nhau tiếp nối truyền thống xây dựng và bảo vệ đất nước của cha ông; phát triển nền kinh tế du lịch dựa trên nền cảnh thiên nhiên tươi đẹp gắn kết với nền văn hóa tâm linh bền vững, là di sản của hôm nay truyền lại cho những thế hệ sau./.
Hải Yến, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Tam Đảo