Ngày 5/4/2016, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (khóa XIII) đã thông qua Luật Báo chí năm 2016 và Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2017. Sau hơn 6 năm thực hiện, Luật Báo chí năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã tạo hành lang pháp lý để báo chí, hoạt động liên quan đến báo chí phát triển. Quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm, phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và Luật định.
Thực trạng công tác quản lý nhà nước về báo chí trên địa bàn tỉnh
Cùng với báo chí cả nước, báo chí Vĩnh Phúc đã không ngừng đổi mới, phát triển. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 3 cơ quan báo chí của tỉnh (Báo Vĩnh Phúc, Đài PT-TH Vĩnh Phúc, Tạp chí Văn nghệ Vĩnh Phúc) và trên 250 nhà báo, phóng viên, biên tập viên được đào tạo cơ bản, có phẩm chất chính trị, trình độ nghiệp vụ vững vàng, từng bước làm chủ công nghệ làm báo hiện đại, đa phương tiện; 21 cơ quan báo, tạp chí trung ương, ngành đặt văn phòng đại diện, cử phóng viên thường trú. Cùng với các cơ quan báo chí, trên địa bàn tỉnh có 01 đặc san, 01 Cổng thông tin điện tử do Cục báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép; 32 trang thông tin điện tử, 36 bản tin, 9 đài truyền thanh cấp huyện do sở Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động. Hội Nhà báo tỉnh có 257 hội viên sinh hoạt ở 6 chi hội và 02 câu lạc bộ nhà báo.
Đại diện nhóm phóng viên Báo Vĩnh Phúc (đứng thứ năm từ trái sang) nhận giải Khuyến khích Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ Ba, năm 2023
Luật Báo chí 2016 ra đời đã tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước về báo chí trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có đầy đủ hành lang pháp lý để tăng cường quản lý hoạt động báo chí đúng định hướng, đúng quy định của Đảng, Nhà nước; tích cực theo dõi, hướng dẫn và tăng cường quản lý nhà nước trên các lĩnh vực báo chí, thông tin điện tử, công tác lưu chiểu; đưa hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển về chất lượng và số lượng; sự hiểu biết về Luật Báo chí trong các cấp, các ngành và nhân dân đã có những chuyển biến tích cực, tạo sức mạnh tổng hợp trong hoạt động báo chí và quản lý nhà nước về báo chí trên địa bàn tỉnh.
Các cơ quan báo chí của tỉnh hoạt động đúng định hướng, đúng quy định của Luật Báo chí 2016; bám sát tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ để xây dựng các chuyên mục, chuyên đề sát với tình hình, bảo đảm đúng định hướng tuyên truyền; không có tin bài theo kiểu giật gân, câu khách, trái quan điểm, đường lối, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú trên địa bàn tỉnh thực hiện đúng Luật Báo chí và các quy định hiện hành của Nhà nước về báo chí; thông tin kịp thời các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội nổi bật, quan trọng của tỉnh và các địa phương, đơn vị trong tỉnh, góp phần định hướng dư luận, giới thiệu hình ảnh đất và người Vĩnh Phúc đến với cả nước và quốc tế.
Cơ quan chỉ đạo báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, Hội Nhà báo tỉnh đã có sự phối hợp khá chặt chẽ, đồng bộ để nắm bắt tình hình hoạt động báo chí, từ đó kịp thời chỉ đạo, định hướng công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là với những sự kiện quan trọng, nhạy cảm. Nổi bật như: Định kỳ mỗi tháng một lần tổ chức giao ban đánh giá hoạt động thông tin tuyên truyền trên báo chí; 6 tháng, 01 năm tổ chức gặp mặt văn phòng đại diện, phóng viên thường trú; mỗi quý tổ chức họp báo cung cấp thông tin cho báo chí về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và các vấn đề trọng tâm của tỉnh; tổ chức các cuộc họp báo và cung cấp thông tin cho báo chí đột xuất để chỉ đạo, định hướng, hướng dẫn tuyên truyền các nhiệm vụ, sự kiện trọng tâm của tỉnh, vụ việc phức tạp.
Thường xuyên phối hợp, rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống văn bản chỉ đạo đối với hoạt động báo chí, tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí hoạt động; quản lý đội ngũ phóng viên địa phương cũng như văn phòng đại diện, phóng viên thường trú. Tích cực phát hiện, nhắc nhở, uốn nắn, xử lý kịp thời các sai phạm trong thông tin, tuyên truyền; đồng thời biểu dương, khen thưởng kịp thời phóng viên, biên tập viên có tác phẩm chất lượng, các cơ quan báo chí có nhiều đóng góp tích cực đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh.
Cơ quan quản lý nhà nước về báo chí của tỉnh thường xuyên hướng dẫn triển khai việc thực hiện pháp luật, chính sách, chế độ và hoạt động báo chí đối với cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh; thực hiện quản lý nhà nước đối với báo chí trong nước đăng ký hoạt động tại tỉnh; ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, góp phần quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về báo chí, như triển khai thực hiện Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020; triển khai quy hoạch báo chí toàn quốc đến năm 2030; triển khai Nghị định của Chính phủ về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Những khó khăn, vướng mắc, bất cập thực tiễn đặt ra cần tháo gỡ
Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác quản lý nhà nước về báo chí trên địa bàn tỉnh còn những khó khăn, vướng mắc, bất cập rất cần có các giải pháp tháo gỡ sớm.
Một là, khó khăn trong quản lý văn phòng đại diện, phóng viên thường trú: Theo quy định tại Điều 22, Luật Báo chí năm 2016, khi có nhu cầu đặt văn phòng đại diện tại địa phương, cơ quan báo chí chỉ cần gửi hồ sơ đến UBND tỉnh/thành phố để thông báo sự việc, điều này dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý; chưa quy định cụ thể số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện của phóng viên đối với 1 văn phòng đại diện.
Hai là, xuất hiện tình trạng tạp chí điện tử thành lập văn phòng đại diện khu vực nhưng đặt văn phòng tại Vĩnh Phúc hoặc cử một phóng viên thường trú tại nhiều địa phương, gây khó khăn trong công tác quản lý.
Ba là, vẫn còn địa phương, đơn vị chưa kịp thời cung cấp thông tin để giải thích, làm rõ những vấn đề báo chí phản ánh, hoặc còn tình trạng người được giao nhiệm vụ làm việc với cơ quan báo chí không phải là người phát ngôn theo quy định của pháp luật. Kỹ năng làm việc với báo chí của người phát ngôn tại một số cơ quan hành chính nhà nước còn hạn chế. Nhiều cơ quan hành chính nhà nước gặp nhiều khó khăn trong việc xác định thế nào là đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, bởi tôn chỉ, mục đích của nhiều tờ báo được quy định chung chung, khó xác định được đâu là ranh giới được phép, đâu là vượt ra ngoài phạm vi tôn chỉ, mục đích, nhất là tôn chỉ mục đích của tạp chí.
Bốn là, khó khăn trong công tác xử lý vi phạm trên báo chí do chưa có quy định cụ thể về cơ chế phối hợp giữa các văn phòng đại diện với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí ở địa phương nên hiệu quả hoạt động chưa cao, khó xử lý đối với các trường hợp văn phòng đại diện, phóng viên thường trú vi phạm.
Năm là, việc thanh tra, kiểm tra hồ sơ văn phòng đại diện, số lượng phóng viên thường trú gặp nhiều khó khăn do số lượng văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, cộng tác viên lớn. Theo quy định tại Điều 22 Luật Báo chí, cơ quan báo chí có nhu cầu đặt văn phòng đại diện, cử phóng viên thường trú đến hoạt động tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải gửi một bộ hồ sơ để thông báo. Tuy nhiên trong thực tế, có những trường hợp không thực hiện đúng quy định tại Điều 22, do không phải trường hợp nào cũng đáp ứng đủ điều kiện được làm phóng viên thường trú. Nếu tiến hành thanh tra, kiểm tra thì các văn phòng đại điện, phóng viên thường trú thường lấy lý do các hồ sơ về giấy phép, sơ yếu lý lịch do cơ quan báo chí lưu giữ tại trụ sở chính để không cung cấp cho đoàn kiểm tra.
Một số kiến nghị, đề xuất
Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập trên, từ thực tiễn cơ sở kiến nghị, đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp sau: Thứ nhất, tăng cường hiệu lực thi hành của pháp luật, tạo điều kiện cho báo chí thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội của mình. Hiện nay, tình trạng vi phạm Luật Báo chí vẫn có xu hướng gia tăng, gây khó khăn cho quá trình tác nghiệp của các nhà báo, nhất là khi nhà báo thực hiện những tác phẩm báo chí đấu tranh chống tiêu cực.
Thứ hai, sớm sửa đổi Luật báo chí 2016 để điều chỉnh những nội dung không còn phù hợp với thực tiễn; sơ kết việc thực hiện Nghị định 09/2017/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 9/2/2017 quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước để có điều chỉnh cho phù hợp.
Thứ ba, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc cải chính trên báo chí. Thực tế hiện nay cho thấy, việc thực hiện cải chính của một số cơ quan báo chí chưa nghiêm túc. Khi thông tin sai sự thật, xúc phạm đến tổ chức, cá nhân, được phát hiện và có yêu cầu cải chính nhưng một số cơ quan báo chí vẫn im lặng hoặc cải chính bằng cách “nói lại cho rõ”, thậm chí có hiện tượng “cửa quyền” khi đưa tin sai sự thật nhưng không cải chính. Trong trường hợp có đủ bằng chứng về loại bài “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”, “đánh hội đồng” thì phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, đẩy mạnh công tác thanh tra, xử lý nghiêm minh, kịp thời các cơ quan báo chí sai phạm, đồng thời biểu dương, khen thưởng thỏa đáng các cơ quan báo chí, nhà báo có thành tích; tạo điều kiện để báo chí phát huy tốt hiệu quả trong đời sống xã hội.
Đình Phúc